Thứ bảy 23/11/2024 00:46
Chuyện những người “vác tù và hàng tổng”:

Kỳ 1: Người Đảng viên tận tâm, trách nhiệm với công tác hòa giải cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiệt tình, tận tâm, luôn đặt việc chung và bình yên khu phố lên trên hết, bà Thái Thị Thanh Năm, trú tại TDP số 10, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội được bà con khu phố nể phục bởi tài hòa giải, xóa bỏ mâu thuẫn trong Nhân dân.
Bà Thái Thị Thanh Năm – người Đảng viên tận tâm, trách nhiệm với công tác hòa giải cơ sở
Bà Thái Thị Thanh Năm - người Đảng viên tận tâm, trách nhiệm với công tác hòa giải cơ sở

Được người dân tin yêu, nể trọng

Sau khi nghỉ hưu, bà Năm về tham gia công tác tại địa phương. Bà đã có hơn 30 năm tuổi Đảng và hơn 10 năm làm Tổ trưởng TDP, là người nhiệt huyết và rất có trách nhiệm với công việc mà mình đảm nhận, được bà con Nhân dân trong TDP tôn trọng, tin yêu.

Gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở trong nhiều năm, bà Năm có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong quá trình hòa giải, bản thân bà cũng tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về hòa giải từ việc tranh chấp đất đai, phân chia tài sản thừa kế trong gia đình, đến việc mâu thuẫn vợ chồng xin ly hôn, tranh chấp giữa các hộ gia đình khi xây dựng nhà và các sinh hoạt khác trong đời sống cộng đồng... Trong đó, có những vụ việc phức tạp, kéo dài khiến bà phải lao tâm khổ tứ đi đến vận động, hòa giải nhiều lần mới thành công.

Theo bà Năm, hòa giải cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên theo quy định của pháp luật về hòa giải. Sự thỏa thuận ý chí, thể hiện quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Do đó, kết quả hòa giải thành hay không thành còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên tranh chấp có tìm ra được giải pháp giải quyết tranh chấp không.

Các bên tranh chấp cần đến một bên thứ ba làm trung gian hòa giải, giúp họ đạt được thỏa thuận, tìm ra được hướng giải quyết tranh chấp, chấm dứt bất đồng, xung đột. Bên thứ ba chính là hòa giải viên, có vai trò trung lập và độc lập với các bên tranh chấp.

Tuy nhiên, cũng cần phải nắm rõ, nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên tranh chấp không được trái với quy định của pháp luật, phải phù hợp đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Cách nói chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc, cương nhu kết hợp, lại là người có uy tín nên ở xóm phố cứ có mâu thuẫn gì người dân lại báo cho bà Năm, Tổ trưởng TDP lại vào cuộc… Từ tranh chấp nhỏ nhặt giữa hàng xóm với nhau cho đến những xung đột liên quan đến đất đai, nhà cửa, bà Năm đều hòa giải thành công. Sau hành chục năm mang trọng trách “hòa giải”, bà đã mang lại sự bình yên trong khu phố, góp phần giữ gìn đoàn kết xóm giềng trong khu dân cư.

Bà Năm chia sẻ, trong bấy nhiêu năm đảm nhận công việc, có không biết bao nhiêu vụ mâu thuẫn trong Nhân dân nhưng bà luôn chọn hướng giải quyết sự việc một cách thấu tình, đạt lý, có lợi cho đôi bên để khi hòa giải xong vẫn còn “tình làng nghĩa xóm”. Khi có vụ việc phát sinh bà sẽ chủ động nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân sự việc, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng nhân dân để nghe họ nhận định, đánh giá để có thêm cơ sở, tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

Bên cạnh đó, bà luôn nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, khuyên bảo hai bên. Vận dụng khéo léo, mềm dẻo trong hòa giải, đúng lý, đúng tình, đưa ra được những yếu tố thuyết phục thì mới hòa giải thành công.

Để có được kết quả đó, không chỉ nhờ sự khéo léo, nhanh nhạy trong công tác tuyên truyền, khả năng thuyết phục tốt, mà bà Năm còn là người rất ham học hỏi, trau dồi kiến thức về pháp luật, có tư cách đạo đức tốt và có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Hòa giải thành sau gần 1 năm kiên trì “bám” cơ sở

Trò chuyện với PV, bà Năm nhớ như in vụ hòa giải thành sau gần 1 năm kiên trì “bám” cơ sở. Đó là câu chuyện tại một con phố nhỏ ở TDP số 10 nơi bà sinh sống bấy lâu nay rất bình yên. Đến một ngày, gia đình ông A cho anh H thuê nhà để làm cơ sở thực nghiệm về các loại gạch thì gia đình bà B làm đơn kiện vì việc thực nghiệm gạch gây tiếng ồn ảnh hưởng đến gia đình bà cùng hàng xóm xung quanh.

Ngay khi nắm được thông tin về đơn kiện của bà B, bà Năm đã cùng thành viên tổ hòa giải xác minh sự việc. Được biết, nhà bà B nằm cạnh căn nhà mà anh H thuê để làm việc và có gây ra tiếng ồn. TDP đã nhắc nhở anh H không được sản xuất trong khu dân cư. Tuy nhiên, anh H cho biết, cơ sở của anh không sản xuất sản phẩm mà chỉ làm đồ thử nghiệm để làm mẫu trưng bày. Anh H cũng đã xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ hợp pháp do cơ quan chức năng cấp phép được hoạt động tại địa chỉ này và có thời hạn đến 5 năm.

Sau đó, tổ hòa giải đã phân tích cho bà B hiểu và nắm rõ sự việc, không thể yêu cầu Cty của anh H dừng công việc theo ý của bà B vì anh H có đủ điều kiện hợp pháp để tiếp tục làm việc tại cơ sở này. Song, bà B vẫn không chấp nhận và tiếp tục gửi đơn kiện.

Để chấm dứt tình hình, mang lại bình yên cho khu phố, bà Năm cùng tổ hòa giải đã mời gia đình bà B và anh H đến họp. Vừa phân tích về lý, vừa động viên về tình để cả hai bên cùng thấu hiểu những khúc mắc của nhau nhằm giải quyết vấn đề cho ổn thỏa. Nhưng sau nhiều lần tổ hòa giải tổ chức họp vẫn không thành…

Sau khi xém xét lại mọi việc, nghiên cứu và đưa ra những ý tưởng phù hợp, bà Năm tiếp tục mời hai bên đến họp và đi đến thống nhất là cơ sở của anh H phải làm tường cách âm, không được làm việc trong giờ nghỉ trưa tránh ảnh hưởng đến khu dân cư. Song, việc này cũng không dễ dàng với Cty của anh H.

Làm tường cách âm cũng tốn nhiều kinh phí trong khi tài chính Cty khó khăn. Hơn nữa Cty của anh có giấy tờ cấp phép đầy đủ chứ không phải làm chui. Về tiếng ồn, nếu không có Cty của anh thì tiếng xe cọ vẫn ồn vì sống ở mặt phố thì phải chấp nhận… những lý lẽ anh H đưa ra cũng không sai nếu xét về lý.

Sau gần 1 năm kiên trì xuống cơ sở, gặp các bên để tuyên truyền, vận động, áp dụng những kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của bản thân về pháp luật và những lý lẽ sâu sắc trong đời sống. Bà Năm cùng tổ hòa giải đã hòa giải thành công vụ việc.

Với anh H, bà Năm động viên rằng, dù Cty có đầy đủ giấy tờ nhưng mình sống ở đâu có hàng xóm ở đấy. Công việc của mình gây ra tiếng ổn, bụi bặm là có ảnh hưởng đến những người xung quanh. Và mình còn làm việc ở đây nhiều năm chứ không phải ngày 1, ngày 2. Vì vậy, mình bớt chi phí làm tưởng cách âm, làm việc đúng giờ giấc để hai bên đều vui vẻ thì mình mới yên ổn làm ăn.

Còn bà B đừng quá khắt khe nên tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển tài năng và kinh tế. Không chỉ đóng góp cho khu phố, cho phường mà còn đóng góp cho toàn xã hội… Cty của anh H sau đó đã làm tường cách âm, không làm việc giữa trưa. Còn bà B cũng dần hiểu rõ vấn đề và không kiện tụng gì nữa. Hai bên vui vẻ, thi thoảng còn qua lại chào nhau cười nói…

(Còn nữa)

Người đàn ông "vác tù và" với câu chuyện tìm hiểu các loại ma tuý mới để... giúp ngăn chặn
"Vác tù và hàng tổng" vì muốn hàng xóm sống hài hòa
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động