Kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, tăng trưởng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênT.S Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngày 5/1 của Chính phủ và chính quyền địa phương. (Ảnh: Văn Điệp) |
Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức vừa qua, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và cả năm đạt 5,05% là mức khá so với các nước trong khu vực và thế giới; dù thấp hơn mục tiêu đề ra là 6-6,5%, nhưng đây là mức tăng cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,9% và mức bình quân của khu vực ASEAN là 4,3%.
Các dấu hiệu cho thấy kinh tế phục hồi như: Sản xuất công nghiệp phục hồi từ mức âm -8% đầu năm lên mức +3% cuối năm. Xuất khẩu dần phục hồi từ mức âm -26% đầu năm lên mức âm -4,4% cuối năm. Đầu tư công đạt kỷ lục, tăng 21,2% so cùng kỳ, hết tháng 01/2024 có thể đạt 95% mức Thủ tướng giao; thu hút FDI mới tăng 32%, giải ngân FDI tăng 3,5%. Du lịch phục hồi khá tốt và nông nghiệp vượt khó ấn tượng.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ luôn nằm trong giới hạn cho phép và ở mức thấp so với các nước tương đồng… Những yếu tố này cộng với triển vọng tăng trưởng kinh tế đã khiến Tổ chức Fitch nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam gần đây lên BB+.
Để đạt được những kết quả trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta đã phản ứng chính sách kịp thời. Trên cơ sở đồng thuận của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm thuế, phí năm 2023 với tổng quy mô khoảng 198,4 nghìn tỷ; tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024 và đang xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024.
Chính sách tiền tệ được quyết định kịp thời đảo chiều chính sách, từ chắc chắn, thận trọng sang nới lỏng, linh hoạt. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ quan tâm hoàn thiện thể chế, quy hoạch với nhiều đạo luật quan trọng được ban hành nhất là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, sắp tới là Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi…
5 kiến nghị, giải pháp
Tại Hội nghị, T.S Cấn Văn Lực nêu 5 kiến nghị, giải pháp như: ông mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đồng hành chỉ đạo để phát huy tốt các động lực tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Phải kích cầu cả đầu tư và tiêu dùng.
Động lực tăng trưởng mới hết sức quan trọng cần khai thác tốt hơn là kinh tế số, kinh tế xanh, liên kết vùng, đặc biệt là 3 cực tăng trưởng: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đóng góp 32% tăng trưởng của cả nước trong năm qua. Hai là, tiếp tục duy trì những cơ chế chính sách về tài khóa, tiền tệ như hồi Covid cho cả năm 2024, đặc biệt quan tâm hơn đến phối hợp chính sách, đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa tài chính và bất động sản.
Ba là, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô; quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các DN, dự án yếu kém, các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu, góp phần huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, giảm mạnh chi phí vận hành.
Bốn là, tăng cường hoàn thiện và thực thi thể chế, trong đó sớm ban hành và hướng dẫn thực hiện các luật quan trọng như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi,... góp phần tạo điều kiện cho các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính, ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Năm là, cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng chung; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn như nêu trên; cùng với đó, chất lượng và hiệu quả đầu tư công cần được chú trọng; xây dựng chiến lược và giải pháp tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng năm 2024 ở mức 5,5% Ngân hàng Thế giới nhận định (WB), suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nhiều nền kinh tế có độ mở lớn ... |
Kinh tế Việt Nam trong năm 2023 với nhiều gam màu sáng Bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có nhiều gam màu sáng được thể hiện ở các động lực tăng trưởng như giải ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại