Chủ nhật 24/11/2024 18:41

Không vay nợ vẫn bị... đòi tiền

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dù không vay mượn ai, nhưng anh T.Q.H (Đông Anh, Hà Nội) vẫn nhận được những tin nhắn… đòi tiền. Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn đe dọa sẽ báo lên lãnh đạo nơi cơ quan anh làm cùng với sẽ đăng ảnh bôi nhọ danh dự anh trên mạng xã hội.
Không vay nợ vẫn bị... đòi tiền
Tin nhắn đòi nợ mà anh H. nhận được

Không vay nợ vẫn bị… đòi tiền

Không vay nợ, cũng không tham gia trên hội nhóm và đăng ký vào bất cứ app nào trên mạng, nhưng anh H. vẫn nhận được những tin nhắn với nội dung không hay ho gì về việc nợ nần của ai đó. “Nội dung tin nhắn thể hiện việc có ai đó tên Trọng, có số điện thoại rõ ràng, vay mượn tiền của app hay cá nhân tôi cũng không rõ. Anh Trọng này khi vay có đưa số điện thoại, số chứng minh thư của tôi vào hồ sơ và nói tôi là người nhà. Giờ anh Trọng không trả nợ hay chưa trả hết hoặc đã trốn đi đâu đó, nhưng những đối tượng cho vay đã nhắn tin đe dọa tôi, ép tôi phải liên hệ với anh Trọng nào đó để đòi nợ cho họ” – anh H. cho biết.

Cũng theo nội dung tin nhắn, nếu anh H. không thực hiện việc “đòi nợ hộ” cho chúng, chúng sẽ điện chửi cả lãnh đạo nơi cơ quan anh đang làm việc, hoặc sẽ đăng hình lên facebook truy nã (?!).

Theo anh H., anh không hề quen biết ai tên là Trọng và có số điện thoại như trong tin nhắn mà các đối tượng đã nhắn. Anh H. cũng cho biết, thời gian gần đây không chỉ có anh, mà rất nhiều bè bạn anh biết cũng đã nhận được những tin nhắn tương tự.

“Có anh giáo viên tôi quen biết cũng nhận được những tin nhắn tương tự như vậy. Họ gọi điện khủng bố ngày, đêm, đe dọa, khủng bố sẽ không để cho gia đình anh giáo viên được yên thân. Chưa hết, họ còn gọi điện cho cả hiệu trưởng, đồng nghiệp để khủng bố và chửi bới. Cực chẳng đã anh giáo viên đành gom góp tiền rồi chuyển trả cho chúng” – anh H. kể.

Thường số tiền sẽ không lớn, chỉ tầm vài triệu đến chục triệu nên theo anh H., để tránh phiền phức vì bị đeo bám, người ta thường sẽ chủ động trả cái món nợ trời ơi đất hỡi mà người ta không hề vay.

Nhắn tin đe dọa đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật

Theo tìm hiểu của phóng viên, do cần giải quyết các nhu cầu cá nhân, hay công việc và tâm lý ngần ngại đến ngân hàng mà nhiều người dân đã dính vào vay tiền qua các app tín dụng đen. Một số app buộc người vay phải cung cấp thông tin, số điện thoại người thân, bạn bè, hay cấp quyền truy cập vào danh bạ điện thoại… nên khi không trả nợ đúng hạn, không chỉ người vay mà cả bạn bè, người thân, đồng nghiệp xung quanh cũng bị các đối tượng đòi nợ liên tục nhắn tin, gọi điện đe dọa và uy hiếp để trả nợ thay, hoặc phải tác động để người vay trả nợ.

Đặc biệt, một số đối tượng còn có hành vi đe dọa nhằm gây áp lực để người nghe điện thoại phải trả nợ thay cho nhân viên hoặc người quen.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành động nhắn tin đe dọa đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật. Theo khoản 1a của Điều 156 Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Còn theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự về tội "Đe dọa giết người", người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Về cụ thể tin nhắn của anh H. đã nhận được, luật sư Hùng phân tích: “Hành vi nhắn tin không mang tính chất đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận được tin nhắn phải thực hiện những yêu sách thì hành vi này không phạm tội hình sự nhưng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số, vô tuyến điện.”

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, chỉ trong tháng 1/2022, hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tổng đài 5656 của Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận hơn 13.000 phản ánh của người dân về việc bị làm phiền bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Đáng chú ý, Trung tâm VNCERT/CC đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn, cuộc gọi đe dọa, đòi nợ làm phiền dù không liên quan.

Trung tâm VNCERT/CC khuyến nghị người dân ngay khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đe dọa đòi nợ dù không liên quan, người dân nên thực hiện ngay một số các biện pháp sau để hạn chế bị làm phiền. Đó là: kiểm tra thông tin cá nhân của thuê bao đang sử dụng, đảm bảo thuê bao sử dụng được đăng ký chính chủ; Liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng hoặc cơ quan tín dụng để khiếu nại, yêu cầu hỗ trợ.

Trong trường hợp vẫn tiếp tục bị đe dọa, người dân nên khai báo ngay với cơ quan công an địa phương để xử lý đối tượng vi phạm theo quy định. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để đề nghị xem xét xử lý những dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác đôn đốc, thu hồi nợ.

Bị phạt 5 triệu đồng vì đăng ảnh người khác lên facebook để đòi nợ
Đừng loay hoay để biến mình từ “chủ nợ thành... bị cáo”
Đòi nợ thành... “đòi mạng”
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động