Khi không có bản di chúc để lại…
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Giả chữ ký…
Cụ Đinh Văn Măng, Lý Thị Lai chết đều không để lại di chúc. Hai cụ sinh được 10 người con chung, trong đó có bà Đinh Thị Hạnh và bà Đinh Thị Châm. Bà Hạnh trình bày, khi còn sống, vợ chồng cụ Măng và cụ Lai tạo lập được khối tài sản gồm có: Nhà, đất diện tích 60,6m2 tại số 315 đường Thụy Khuê, đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đứng tên cụ Lai và nhà đất tại ngõ 315 đường Thụy Khuê, diện tích đất sử dụng riêng là 64,5m2, đất không được cấp sổ đỏ là 21,2m2, bên cạnh có lối đi chung diện tích 31,48m2.
Năm 1989, cụ Lai chỉ đồng ý cho bà Châm sử dụng diện tích đất chuồng lợn để làm chỗ ở. Nhưng bà Châm lập biên bản thỏa thuận giả chữ ký của các anh chị em trong gia đình, tự ý kê khai phần đất ngõ 315 đường Thụy Khuê và được cấp sổ đỏ năm 2007 đứng tên bà Châm; diện tích đất không được cấp sổ đỏ thuộc dự án cải tạo mương Thụy Khuê, UBND quận đã có quyết định thu hồi. Bà Hạnh yêu cầu chia di sản của cụ Măng và cụ Lai theo quy định của pháp luật và hủy sổ đỏ đứng tên bà Châm.
Bà Châm xác định hai cụ chỉ có nhà, đất diện tích 60,6m2 tại số 315 đường Thụy Khuê. Tại ngõ 315 đường Thụy Khuê, hai cụ chỉ có 20m2 đất chuồng lợn nhưng cụ Lai đã cho bà Châm từ năm 1989 để làm chỗ ở, đến năm 2005 mới lập thành văn bản có chữ ký của cụ Lai và các anh chị em trong gia đình. Quá trình sử dụng, bà Châm đã cơi nới, cải tạo thành 85,7m2 sử dụng riêng và 31,48m2 sử dụng chung. Năm 2007, bà kê khai và được cấp sổ đỏ sử dụng riêng là 64,5m2, diện tích sử dụng chung 31,48m2, diện tích không được cấp giấy chứng nhận là 21,2m2 nên bà không chấp nhận theo yêu cầu của nguyên đơn.
Tại bản án dân sự sơ thẩm xử, chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu chia thừa kế và hủy sổ đỏ mang tên bà Châm. Xác định hàng thừa kế của cụ Măng và cụ Lai gồm 10 người con là bà Xuân, thừa kế của bà Thu (là chị Hà, anh Sơn), thừa kế của bà Mai (là ông Bình, chị Tuyết, anh Mạnh), bà Hạnh, bà Hòa, ông Thành, bà Thanh, bà Châm, bà Phúc, ông Công,
Bà Châm được chia 2.144.684.290 đồng, gồm: Tiền hỗ trợ về đất ở 565.697.040 đồng; 1 kỷ phần thừa kế 803.454.545 đồng; 1 kỷ phần thừa kế do bà Thanh, bà Phúc cho bà Châm là 803.454.545 đồng. Ông Thành, ông Công được chia 4 kỷ phần bằng 3.213.818.181 đồng, gồm: mỗi ông được 1 kỷ phần, 1 kỷ phần trích công sức và 1 kỷ phần do bà Thanh, bà Phúc cho ông Thành và ông Công. Bà Hạnh, bà Xuân, bà Hòa và những người thừa kế của bà Mai được chia 4 kỷ phần bằng 3.213.818.180 đồng. Thừa kế của bà Thu được chia 1 kỷ phần bằng 803.454.545 đồng.
Chia cho ông Thành, ông Công sử dụng nhà đất 60,7m2 tại số 315 đường Thụy Khuê. Buộc ông Thành, ông Công thanh toán số tiền chênh lệch cho bà Hạnh, bà Xuân, bà Hòa, thừa kế của bà Mai và thừa kế của bà Thu.
Chia cho bà Hạnh, bà Hòa, bà Xuân và thừa kế của bà Mai sử dụng phần đất ngõ 315 đường Thụy Khuê diện tích 32,5m2 đã được cấp Giấy chứng nhận và được giao 1,5m2 đất dôi dư do đo thực tế. Bà Hạnh, bà Hòa, bà Xuân và thừa kế của bà Mai còn được ông Thành, ông Công thanh toán số tiền chênh lệch do hưởng di sản bằng hiện vật.
Chia cho bà Châm diện tích 32m2 đất đã được cấp sổ đỏ và giao 1,5m2 đất đôi dư đo thực tế, trên đất có 1 nhà cấp 4 diện tích 1,9m2 và 1 nhà 18m2 tại ngõ 315 đường Thụy Khê và bà Châm tự mở lối đi ra đường. Chia cho bà Châm 537.775.200 đồng tiền bồi thường hỗ trợ về đất ở. Buộc bà Châm phải thanh toán cho chị Hà, anh Sơn số tiền chênh lệch. Đối với phần ngõ đi chung được giữ nguyên hiện trạng để sử dụng chung.
Hủy 2 bản án
Sau xét xử sơ thẩm, các đương sự đều có đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Thanh, bà Phúc rút ý kiến dành kỷ phần thừa kế cho bà Châm, ông Thành, ông Công, đề nghị được hưởng kỷ phần thừa kế.
Bản án dân sự phúc thẩm quyết định: Sửa bản án sơ thẩm phần phân chia di sản thừa kế, công sức, cụ thể: Tổng giá trị di sản của cụ Măng, cụ Lai là 9.375.775.200 đồng, được chia thành 11 kỷ phần thừa kế, mỗi kỷ phần có giá trị 852.341.382 đồng. Trích công sức cho bà Châm được hưởng bằng 1 kỷ phần trị giá 852.341.382 đồng.
Bà Hạnh, bà Xuân, bà Hòa và các thừa kế của bà Mai mỗi người được hưởng 1 kỷ phần và được chia chung có giá trị 3.409.365.528 đồng. Chia chung hiện vật là nhà đất cho 4 kỷ phần nêu trên có diện tích nhà đất là 34m2 là 1.700.000.000 đồng. Số tiền còn thiếu so với giá trị được chia là 1.709.365.528 đồng.
Ông Thành, ông Công mỗi người được hưởng 1 kỷ phần thừa kế là 1.704.682.764 đồng. Chia chung hiện vật cho ông Thành, ông Công nhà đất 60,7m2 trị giá 5.463.000.000 đồng. Số tiền ông Thành, ông Công phải liên đới thanh toán cho các đồng thừa kế khác là 3.758.317.236 đồng.
Bà Châm được hưởng 1 kỷ phần thừa kế và 1 kỷ phần công sức trị giá 1.704.682.764 đồng. Chia hiện vật cho bà Châm là nhà đất 33,5m2 trị giá 1.675.000.000 đồng. Số tiền còn thiếu so với giá trị được chia là 29.682.764 đồng; phần ngõ đi chung được giữ nguyên hiện trạng để sử dụng chung.
Sau đó, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên theo hướng hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Viện cấp cao 1 cho rằng, trong vụ án trên, có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Về xác định tài sản thừa kế, theo biên bản họp gia đình ngày 25-10-2015 thể hiện, cụ Lai cho bà Châm 85,7m2 đất, biên bản này có chữ ký của cụ Lai và 10 người con của cụ. Tuy nhiên tại Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm, xác định chữ ký trong biên bản họp gia đình không phải của bà Hạnh, bà Hòa. Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, bà Hạnh thừa nhận năm 1989, cụ Lai đồng ý cho bà Châm sử dụng diện tích đất chuồng lợn để làm chỗ ở. Thực tế, bà Châm là người quản lý, sử dụng diện tích 85,7m2 được cho theo biên bản họp gia đình từ năm 1989, xây dựng các công trình trên đất và được cấp sổ đỏ năm 2007.
Khi cụ Lai còn sống và trước khi cụ chết (năm 2007), cụ không có ý kiến thay đổi việc cho bà Châm đất. Các thành viên ký vào biên bản họp gia đình ngày 25-10-2015 không khiếu nại, bà Châm quản lý, sử dụng và được cấp sổ đỏ. Bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm đều xác định toàn bộ diện tích cả phần diện tích cụ Lai đã cho bà Châm là di sản của cụ Lai, để chia cho các đồng thừa kế khác là không phù hợp với ý chí của cụ Lai, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Châm.
Hơn nữa, phần diện tích mà cụ Lai cho bà Châm 85,7m2 trị giá 3.912.775.200 đồng chỉ bằng 41,74% di sản là tài sản chung của cụ Măng, cụ Lai là 146,3m2 trị giá 9.373.775.200 đồng. Do vậy, cần phải xác định diện tích 85,7m2 cụ Lai cho bà Châm không phải là di sản thừa kế.
Viện cấp cao 1 nêu, ngoài ra, bà Châm được cấp sổ đỏ đối với 31,48m2 đất ngõ đi chung, trong quá trình giải quyết vụ án các đương sự thống nhất giữ nguyên hiện trạng lối đi diện tích 27,6m2 nhưng khi phân chia phần đất cho bà Châm không thể hiện có lối đi là không đảm bảo quyền lợi của bà Châm. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại