Việc cần thiết của những bản di chúc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ đốt mẹ do tranh chấp tài sản thừa kế tại Hưng Yên |
“Sóng gió gia tộc” của gia đình cố NSƯT Vũ Linh
Theo đó, bà Võ Thị Hồng Nhung đề nghị tòa huỷ văn bản khai nhận di sản thừa kế do bà Võ Thị Hồng Loan lập ngày 7/4/2023 tại Văn phòng Công chứng Huỳnh Thị Ngọc Yến đối với di sản của cố NSƯT Vũ Linh.
Cụ thể, nhà ở và quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) tại số 5 Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận theo giấy CNQSDĐ do UBND quận Phú Nhuận cấp ngày 23/1/2015, đã được sang tên cho bà Võ Thị Hồng Loan.
Quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 87, 88 cùng tờ bản đồ số 8 tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức theo giấy CNQSDĐ do UBND quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) cấp ngày 19/12/1998 và một chiếc xe ô tô đều đã được sang tên cho bà Võ Thị Hồng Loan. Hủy phần cập nhật biến động trên giấy CNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất tại số 5 Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận và CNQSDĐ đối với thửa đất số 87, 88 cùng tờ bản đồ số 8 tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức về nội dung đã sang tên cho bà Võ Thị Hồng Loan.
Trong đơn khởi kiện, bà Nhung yêu cầu chia di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh đối với CNQSDĐ thửa đất số 87, 88 cùng tờ bản đồ số 8 tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức cho bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu. Bà Nhung yêu cầu hưởng một nửa sau khi trừ phần giá trị mà NSƯT Vũ Linh đã lập di chúc miệng cho bà Lê Thị Hồng Phượng. Giá tạm tính mà bà Nhung yêu cầu được hưởng là 1,5 tỷ đồng.
Như vây, khi cố NSƯT Vũ Linh nằm xuống chưa được 100 ngày, “sóng gió gia tộc” đã diễn ra. Ắt hẳn nếu còn sống, người nghệ sĩ tài hoa này sẽ rất buồn. Bởi lẽ trong cuộc sống, cuộc tranh giành giữa những người thân, ruột rà trong một gia đình luôn là những câu chuyện khiến người ta đau lòng và day dứt nhất.
Việc cần thiết của những bản di chúc
Câu chuyện tranh chấp di sản thừa kế ấy đúng sai ra sao, chỉ có người trong cuộc mới biết, mới phân định nổi. Tranh chấp tài sản giữa anh chị em đôi khi dẫn tới huynh đệ tương tàn, phải lôi nhau ra chốn công đường trong xã hội ngày nay không phải hiếm. Điều này đã được thực tế ghi nhận bằng nhiều vụ án tranh chấp tài sản thừa kế được ghi nhận trong thời gian qua.
Ít ai có thể quên câu chuyện về tranh chấp tài sản chia quyền thừa kế đất xảy ra tại Yên Mỹ - Hưng Yên vào tháng 10/2022. Theo đó, 3 người con gái của bà V.T.Đ (SN 1961, trú tại thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) là: Đỗ Thị Định, Đỗ Thị Điểm và Đỗ Thị Đưa mang theo can xăng loại 10 lít đến nhà mẹ ruột. Trong lúc 4 người tranh cãi, Điểm đã đổ xăng xuống nền nhà gian phòng khách rồi châm lửa đốt.
Hậu quả, bà Đ. và 3 người con gái bị thương phải đi cấp cứu. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng. Dù đã được cấp cứu, nhưng chị Đỗ Thị Điểm (SN 1988) và Đỗ Thị Định (SN 1982) đã tử vong vì bị bỏng nặng. Đến ngày 14/12/2022, bà V.T.Đ đã không qua khỏi.
Đầu tháng 11/2022, Cơ quan CSĐT (CA tỉnh Hưng Yên) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh "giết người" để điều tra. Đây không phải trường hợp đau lòng nhất, cũng không phải hi hữu khi mà con cái sát hại cha mẹ vì thừa kế, anh em chém giết nhau vì đất cát. Vấn đề được đặt ra ở đây là để tránh tình trạng tranh chấp gay gắt tài sản thừa kế giữa những người được hưởng thụ dẫn đến nhiều hệ lụy khi người có tài sản qua đời thì lập di chúc là phương cách hiệu quả nhất.
Ở các nước có nền tư pháp phát triển tốt, việc lập di chúc đã trở thành một thói quen phổ biến trong người dân. Tuy nhiên ở nước ta, theo luật sư Lê Hồng Hiển – Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự người Việt ta thường có lối suy nghĩ tránh việc chia thừa kế và không rõ ràng về tài sản khi vẫn còn sống. Bởi quan niệm chia thừa kế chỉ diễn ra khi người nằm xuống. Khi còn sống, họ sợ xui, sợ đen… nên lảng tránh.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đời sống con người bị đồng tiền chi phối một cách khắc nghiệt, trong khi bất động sản ngày càng có giá trị lớn… mọi trật tự của các mối quan hệ kể cả tình anh em rất dễ bị đảo lộn. Cùng với đó các chuẩn mực đạo đức, giá trị nhân văn, tình người của con người có xu hướng thay đổi theo hướng chú trọng hơn vào giá trị vật chất và coi nhẹ yếu tố gắn kết gia đình như máu mủ, họ hàng, tình cảm thân thiết trong gia đình. Vậy nên, khi động chạm đến quyền lợi, có nhiều cá nhân bất chấp tình thân, máu mủ ruột rà để co kéo, giành giật lại bằng được phần hơn cho mình.
Sự ích kỷ, hiếu thắng và nông nổi, cũng như thiếu đi yếu tố gắn kết gia đình khiến nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra. Trong khi đó, tranh chấp thừa kế tài sản vốn là loại án chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số án mà các tòa án thụ lý, thế nhưng loại án này lại thuộc loại phức tạp, khó giải quyết và thường kéo dài nhất. Bởi lẽ, chủ thể tham gia quan hệ và tranh chấp thừa kế thường liên quan đến nhiều người trong gia đình, họ tộc.
Và theo luật sư Hiển, án này cũng là một trong những loại án khiến những người luật sư nặng lòng nhất. Bởi lẽ, đây là cuộc chiến của chính những người trong cùng 1 gia đình, dòng tộc.
“Việc lập di chúc rõ ràng khi để lại tài sản thừa kế là điều cần thiết để tránh xung đột và tranh chấp về sau. Mặc dù có một số trường hợp có lập di chúc vẫn tranh chấp, nhưng thường không quá căng thẳng và việc giải quyết cũng sẽ dễ dàng hơn…” – quan điểm của luật sư Hiển.
Kết
Trở lại vấn đề “sóng gió gia tộc” đang diễn ra trong gia đình cố nghệ sĩ Vũ Linh, câu chuyện chắc sẽ còn lâu nữa mới được ngã ngũ. Và ở câu chuyện này, kể cả khi họ cùng nhau ngồi lại giải quyết vấn đề bằng tình hay nhờ pháp luật phân xử thì ly nước đổ đi không hớt lại được.
Vì vậy, thói quen lập di chúc nên là một vấn đề cần nghiên cứu thật sự nghiêm túc trong mọi gia đình để phòng tránh những câu chuyện “nồi da nấu thịt”.
Sự nghiệp đỉnh cao của "ông hoàng cải lương" Vũ Linh: Chán nản vì tưởng không có khán giả, hóa ra 12.000 người đang đợi nghe hát |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại