Khi “kẻ cắp” gặp “bà già"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNguyễn Thị Hà Thành trong phiên xét xử. |
Vay lãi nặng để lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu rồi chiếm đoạt
Từ ngày 10/3, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết cùng các nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt 433 tỷ. Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến 2018, Nguyễn Thị Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do bị thua lỗ nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân trong xã hội, Thành vay của người sau trả cho người trước. Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn.
Đồng thời, qua các quan hệ xã hội, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn để gửi đồng sở hữu, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các Hợp đồng tín dụng, vay các Ngân hàng với số tiền lớn nên các Ngân hàng NCB, VAB đều coi Thành là khách VIP.
Do không có hoạt động kinh doanh, chỉ là vay tiền của người sau để trả gốc và lãi cao cho người trước nên trong khoảng thời gian từ 5/6/2018 đến 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ hết hạn. Do đó, Thành đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối, nhằm chiếm đoạt tiền từ các Ngân hàng NCB, Pvcombank, VAB và các cá nhân khác nhau. Các cá nhân Thành vay, ngoài những cá nhân do ngân hàng giới thiệu, vì tin tưởng, tín nhiệm các ngân hàng nên đã cho Thành tạm sử dụng tiền của mình, thì bên cạnh đó, có những cá nhân “mắc tròng” của Hà Thành do cho vay nặng lãi.
Theo cáo trạng, năm 2017, Hà Thành quen Nguyễn Giang Hòa (SN 1964, Đống Đa, Hà Nội), Thành đề nghị vay tiền của Hòa bằng hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu tại ngân hàng VAB và trả lãi cho Hòa 15%/6 tháng ngay khi Hòa cho vay. Ngày 1/9/2017, Thành vay Hòa 10 tỷ đồng bằng hình thức trên và đã tất toán. Tiếp đó ngày 7/3/2018 Thành tiếp tục vay Hòa 10 tỷ đồng để lập Hợp đồng tiền gửi - đồng sở hữu với Thành trị giá 20 tỷ đồng.
Ngoài khoản vay trên, do cần tiền gấp trong thời gian ngắn nên ngày 5/11/2018, Thành nhắn tin tiếp tục hỏi vay số tiền 2 tỷ đồng. Thành chỉ có nhu cầu sử dụng 4 ngày những sẽ trả lãi 100 triệu đồng cho Hòa theo 1 chu kỳ là 10 ngày, tương đương 5000 đồng/triệu/ngày.
Tương tự với Triệu Đình Hoan (SN 1979, Thanh Trì, Hà Nội) cũng thông qua nhân viên ngân hàng kết nối với Hà Thành. Hà Thành cũng vay mượn của Hoan số tiền lớn với lãi suất “khủng” rồi lừa đảo, chiếm đoạt. Cụ thể, Triệu Đình Hoan thành lập Cty Cổ phần đầu tư Hải Linh (Văn Quán, Hà Đông), hoạt động chủ yếu là cho các cá nhân vay tiền để đáo hạn ngân hàng với lãi suất từ 2.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày.
Tháng 6/2018, Hà Thành có khoản vay 19 tỷ đồng đến ngày 15/6/2018 phải đáo hạn nhưng Hà Thành còn thiếu 12,3 tỷ đồng. Hà Thành đặt vấn đề với Nguyễn Hồng Trung, cán bộ ngân hàng phụ trách khoản vay, Ngân hàng NCB xem có vay chỗ nào được không và đồng ý trả lãi suất. Trung đã nhờ đồng nghiệp kết nối Thành với Hoan. Hoan đồng ý cho Hà Thành vay tiền với điều kiện khoản vay tại Ngân hàng NCB sẽ được giải ngân trong ngày.
Để vay tiền của Hoan, Thành đã đồng ý trả lãi cho khoản vay 12,3 tỷ đồng là 175 triệu đồng. Sau khi hoàn thành khoản vay này, các khoản vay sau, Hà Thành trực tiếp làm việc, thỏa thuận trực tiếp với Hoan. Thành nói với Hoan mục đích vay tiền để chứng minh năng lực tài chính làm dự án MHD Trung Văn, Nam Từ Liêm với các bên khách hàng của Thành. Hình thức là Hoan và Thành sẽ gửi tiết kiệm đồng sở hữu tại Ngân hàng VAB, chi nhánh Đông Đô. Trong mỗi hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu, Thành góp số tiền 5 tỷ đồng, tuy nhiên, thực tế số tiền 5 tỷ đồng cùng góp với Thành đó, Thành phải trả cho Hoan vơi lãi suất là 4.000 đồng/triệu/ngày (tương đương với lãi suất 146%/năm) và cứ 30 ngày trả lãi một lần.
Tổng số tiền Hoan cho Thành vay là 160 tủ đồng, được thể hiện trong 6 hợp đồng tiền gửi tại ngân hàng VAB và 20 tỷ đồng vay ngoài. Ngoài các bị cáo Triệu Đình Hoan, Nguyễn Giang Hòa, Thành còn vay Phạm Thế Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Hạnh với số tiền lớn và trả lãi suất cao.
Cho vay lãi nặng bị “vào tròng” lừa đảo - Kẻ cắp gặp bà già
Sau khi vay lãi nặng bằng hình thức nhờ Giang Hòa, Hoan... cầm số tiền Thành muốn vay đến ngân hàng lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Hà Thành đã giả chữ ký của Hòa, Hoan để cầm cố sổ tiết kiệm, vay tiền từ ngân hàng rồi chiếm đoạt. Và với việc truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Thị Hà Thành, những hành vi nêu trên của nhóm Nguyễn Giang Hòa, Triệu Đình Hoan… bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 2, Điều 201 Bộ Luật hình sự.
Theo đó, kết luận của Cơ quan điều tra cũng nêu rõ, tổng số tiền lãi của số tiền 2 tỷ đồng Hà Thành vay của Nguyễn Giang Hòa, Thành đã trả lãi 20 ngày là 200 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Giang Hòa không thừa nhận hành vi cho Hà Thành vay lãi nặng như trên. Căn cứ lời khai, tài liệu điều tra đủ căn cứ kết luận Nguyễn Giang Hòa cho Thành vay 2 tỷ đồng lãi suất 5000 đồng/triệu/ngày, tương đương lãi suất 182,5%/năm, số tiền Giang Hòa thu lợi bất chính từ việc cho Hà Thanh vay lãi là 178.082.192 đồng.
Còn với Triệu Đình Hoan, tổng số tiền lãi Thành đã trả cho khoản vay 160 tỷ đồng của Hoan là 47,8 tỷ đồng. Căn cứ vào quy định tại Điều 468, Bộ Luật dân sự, số tiền thu lợi bất chính Hoan đã lấy về là 41.279.452.055 đồng. Căn cứ tài liệu điều tra đủ căn cứ xác định Triệu Đình Hoan phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số tiền cho Hà Thành vay. Cho vay lãi với lãi suất cắt cổ rồi lại bị chính người vay lừa đảo, chiếm đoạt tài sản - suy cho cùng cũng là chuyện “kẻ cắp gặp bà già” mà thôi!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại