Khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp có khả năng sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSản xuất sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z117. |
Chuẩn bị động viên công nghiệp là việc thực hiện các biện pháp nhằm tạo ra cơ sở vật chất để sẵn sàng sản xuất, sửa chữa trang bị cho quân đội.
Khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp có khả năng sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật
Theo Điều 40 Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, việc khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp có khả năng sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật được thực hiện như sau:
Thủ tướng Chính phủ quyết định khảo sát tổng thể năng lực sản xuất, sửa chữa của doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng hướng dẫn khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp; hằng năm, Bộ Quốc phòng khảo sát bổ sung các doanh nghiệp.
UBND cấp tỉnh tổ chức khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của doanh nghiệp trên địa bàn, báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thông báo kết quả khảo sát doanh nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, phối hợp với UBND cấp tỉnh thực hiện khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được khảo sát thực hiện theo kế hoạch khảo sát của UBND cấp tỉnh.
Bộ Quốc phòng hướng dẫn điều kiện, tiêu chí và tổ chức lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Kế hoạch động viên công nghiệp
Về thẩm quyền lập kế hoạch, tại Điều 41 Dự thảo nêu rõ: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập Kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp lập kế hoạch động viên công nghiệp của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh lập kế hoạch động viên công nghiệp của địa phương; Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc lập kế hoạch của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh và quy định thẩm quyền lập kế hoạch động viên công nghiệp của đơn vị Quân đội Nhân dân.
Nội dung kế hoạch động viên công nghiệp bao gồm: Kế hoạch huy động doanh nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; Kế hoạch bảo đảm ngân sách; Kế hoạch dự trữ vật tư; Kế hoạch di chuyển; Kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp.
Việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch được quy định cụ thể như sau: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Nhà nước về động viên công nghiệp.
Bộ Quốc phòng thẩm định; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Cơ quan Bộ Quốc phòng thẩm định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của quân khu, UBND thành phố Hà Nội.
Cơ quan quân khu thẩm định; Tư lệnh Quân khu phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của UBND cấp tỉnh.
Cơ quan cấp trên trực tiếp thẩm định; Thủ trưởng cấp trên trực tiếp phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của đơn vị thuộc quyền trong Quân đội Nhân dân.
Cũng theo Dự thảo, hằng năm, cơ quan, đơn vị được giao lập kế hoạch động viên công nghiệp phải rà soát kế hoạch động viên công nghiệp; trình cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh hoặc lập mới kế hoạch trong trường hợp quy định.
Kế hoạch động viên công nghiệp được điều chỉnh trong trường hợp có sự thay đổi nội dung nhưng chưa đến mức phải lập mới.
Kế hoạch động viên công nghiệp được lập mới trong trường hợp thay đổi doanh nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại