Thứ hai 09/09/2024 09:08
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Phát triển khoa học và công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,…”. Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, tư duy và tầm nhìn đó lại càng có ý nghĩa quan trọng, trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Phát triển khoa học và công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tự chủ phát triển khoa học kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ, công nghệ lõi, nhất là tự chủ từ nghiên cứu thiết kế đến sản xuất, phù hợp với điều kiện địa hình và cách đánh của Quân đội ta, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại

Thượng tướng, Ts. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, phát triển khoa học - công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,…”. Đây là tư duy mới, quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của khoa học - công nghệ trong tiến trình phát triển đất nước.

Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, tư duy và tầm nhìn đó lại càng có ý nghĩa quan trọng, trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí hiện đại, không bị chi phối bởi các yếu tố nước ngoài, tự chủ phát triển khoa học kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ, công nghệ lõi, nhất là tự chủ từ nghiên cứu thiết kế đến sản xuất, phù hợp với điều kiện địa hình và cách đánh của Quân đội ta, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những năm qua, công tác nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ quân sự luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự được tổ chức triển khai thống nhất, toàn diện, có bước phát triển mới, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, góp phần bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật; từng bước hiện đại hóa vũ khí, khí tài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đáng chú ý là, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, nhiều sản phẩm được triển khai sản xuất loạt, đưa vào trang bị trong Quân đội, đạt hiệu quả cao. Thông qua việc triển khai các chương trình, đề án lớn hướng đến các sản phẩm mục tiêu đồng bộ, quy mô lớn, phức tạp, góp phần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ trên một số lĩnh vực đặc thù; làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Trình độ nghiên cứu cơ bản, công nghệ nền, công nghệ phụ trợ đã có bước phát triển. Công nghiệp quốc phòng cơ bản có đủ năng lực để tự chủ, từ nghiên cứu đến sản xuất trong nước hầu hết các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thiết yếu cho lục quân, thông tin liên lạc;... trong đó, đã chế tạo một số hệ thống tích hợp, các cụm khối cơ khí, điện tử, vật tư, linh kiện,… phục vụ chế tạo các loại vũ khí, khí tài mới; bảo đảm kỹ thuật các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế của các quân chủng, binh chủng, ngành,...

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học - công nghệ được đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngoài, trưởng thành qua thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu tại các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường, trong đó có nhiều nhóm nghiên cứu trẻ, trình độ cao; đã thiết lập một số cơ sở nghiên cứu mạnh chuyên ngành và đa ngành; bước đầu xây dựng được mô hình doanh nghiệp Quân đội tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cơ sở vật chất đảm bảo nghiên cứu, ứng dụng từng bước được đầu tư, bổ sung, nâng cao năng lực phục vụ công tác nghiên cứu, thiết kế, kiểm tra, chế thử và sản xuất loạt. Hệ thống phòng thí nghiệm trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo được đầu tư, đưa vào sử dụng với nhiều trang thiết bị tương đối hiện đại, trong đó có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, đào tạo và dịch vụ khoa học - công nghệ; đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức khoa học - công nghệ và nhà khoa học nghiên cứu, tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Tiềm lực, nguồn lực khoa học và công nghệ quân sự được nâng cao; công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường, số đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng nhanh. Hoạt động quản lý quốc phòng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhãn mã, tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa,… được duy trì chặt chẽ, ngày càng đi vào nề nếp.

Đảm bảo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

Trong chương II của dự thảo Luật công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh (AN) và động viên công nghiệp (ĐVCN) có dành riêng mục III quy định về bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong đó, quy định về nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, hoạt động khoa học và công nghệ, Cơ chế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh,...

Theo đó, nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ để phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh: Bảo đảm định hướng, chiến lược xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, phát huy nội lực trong hoạt động khoa học và công nghệ; Sản phẩm của nghiên cứu khoa học phải có tính ứng dụng cao, được thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ xuyên suốt các khâu từ nghiên cứu, thiết kế, chế thử đến sản xuất thử nghiệm, đủ điều kiện sản xuất sản phẩm đưa vào trang bị; Đề cao tính lưỡng dụng trong nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ;

Xây dựng, sử dụng tài liệu thiết kế, công nghệ sản xuất thuộc chương trình nghiên cứu, phát triển, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ bảo vệ Tổ Quốc phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước;

Khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khoa học công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp. Nhà nước bảo hộ các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật trong trường hợp xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm.

Những nội dung trong nghiên cứu như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ mới và các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ dân sinh; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; Xây dựng tài liệu thiết kế và công nghệ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tính lưỡng dụng; Hợp tác và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và sản xuất sản phẩm lưỡng dụng; Nghiên cứu các vấn đề khoa học cơ bản; làm chủ, giải mã các công nghệ phát triển sản phẩm.

Cùng với đó, cơ chế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh như: Các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh được thực hiện cơ chế tự chủ trong hoạt động khoa học công nghệ.

Các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các quyền lợi khác theo Luật sở hữu trí tuệ. Thực hiện cơ chế trích lại một phần lợi nhuận từ sản xuất sản phẩm có ứng dụng kết quả khoa học công nghệ để tái đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới.

Áp dụng chính sách mua sắm đặc thù đối với sản phẩm, vật tư, bán thành phẩm, thiết bị đặc chủng phục vụ nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, an ninh mạng. Sản phẩm, vật tư, bán thành phẩm, thiết bị đặc chủng phục vụ nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, an ninh mạng phải có danh mục cụ thể.

Nhà nước khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ, đào tạo, huấn luyện nhân lực giữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh được hưởng cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Hình thành cơ sở pháp lý phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp Hình thành cơ sở pháp lý phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Theo dự kiến, bố cục Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được thiết kế gồm 8 chương, 95 điều.

Cần tổ chức quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh Cần tổ chức quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh

Công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP, AN) đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động