Thứ năm 25/04/2024 06:59

Hình thành cơ sở pháp lý phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo dự kiến, bố cục Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được thiết kế gồm 8 chương, 95 điều.
Hình thành cơ sở pháp lý phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan khu vực trưng bày của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

Tập trung đánh giá tác động của 5 chính sách

Trong đề nghị xây dựng luật, Bộ Quốc phòng tập trung đánh giá tác động của 5 chính sách cơ bản, bao gồm:

Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh: Phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh (AN) theo hướng lưỡng dụng, huy động hiệu quả sự tham gia hoạt động CNQP, AN của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh: Quy định chung về cơ cấu hệ thống tổ chức CNQP, hệ thống tổ chức công nghiệp an ninh (CNAN).

Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh: Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển CNQP, AN.

Huy động nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, AN và động viên công nghiệp (ĐVCN).

Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp: Quy định về phạm vi, đối tượng tham gia ĐVCN của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Lực lượng vũ trang nhân dân; cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia ĐVCN; cách thức tiến hành chuẩn bị và thực hành ĐVCN để bảo đảm hiệu quả ĐVCN.

Cụ thể, về xây dựng các chính sách: Kế thừa giữ nguyên 4 chính sách đối với CNQP và 1 chính sách đối với động viên công nghiệp. Theo đó, có 5 chính sách nổi bật cần được đánh giá tác động là: Phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, an ninh; Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, an ninh; Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển CNQP, an ninh; Huy động nguồn lực cho phát triển CNQP an ninh; Bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp. Về xây dựng dự thảo Đề cương Luật sẽ gồm 8 Chương, 95 Điều; trong đó, CNQP, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp sẽ được thiết kế thành các chương riêng. Các chương quy định về CNQP, động viên công nghiệp sẽ kế thừa nguyên vẹn các nội dung của dự thảo Đề cương Luật CNQP, động viên công nghiệp đã được Bộ Tư pháp thẩm định; bổ sung mới chương quy định về công nghiệp an ninh trên cơ sở bố cục, nội dung của chương về CNQP; điều chỉnh từ ngữ để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của công nghiệp an ninh.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN

Theo Thiếu tướng Lương Thanh Chương - Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu xây dựng Luật CNQP, AN và ĐVCN, vấn đề này xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Qua tổng kết việc triển khai thực hiện Pháp lệnh ĐVCN năm 2003, Pháp lệnh CNQP năm 2008 và kết quả xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh (CNAN) từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN.

Hình thành cơ sở pháp lý phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Thiếu tướng Lương Thanh Chương - Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chỉ đạo một khu vực trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022

Tuy nhiên, trong tình hình mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CNQP, AN và ĐVCN đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng liên quan đến CNQP, AN và ĐVCN chưa được thể chế hóa; một số nội dung của các pháp lệnh chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan về quốc phòng, an ninh (QP, AN); nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý chưa cao; quá trình thực hiện đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc.

Vì vậy, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về CNQP, AN và ĐVCN nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập; đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP, AN và ĐVCN để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ QP, AN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong quá trình xây dựng dự án luật, Tổng cục CNQP luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường vụ Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng như của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Tuy vậy, còn một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng nội dung. Hồ sơ được xây dựng trên cơ sở hợp nhất 3 hồ sơ luật chuyên ngành: CNQP, CNAN và ĐVCN. Do CNQP, CNAN mang nhiều điểm khác biệt về quy mô ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, năng lực công nghệ, sản phẩm mục tiêu... Vì vậy, đặt ra yêu cầu rất cao trong xây dựng cơ chế, chính sách và kỹ thuật lập pháp, vừa phải bảo đảm sự hòa quyện, vừa phải bảo đảm tính riêng biệt đặc thù của mỗi ngành.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ, cùng nghiên cứu những vấn đề chung và vấn đề riêng của từng ngành để đưa vào dự thảo luật. Đến nay, những khó khăn, vướng mắc cơ bản đã được giải quyết. Hiện tại, đã thống nhất được các nội dung của dự án luật, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật và gửi xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Tổng cục CNQP đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến; tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình các cấp theo quy định.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo luật là tiếp tục kế thừa, phát triển những vấn đề hợp lý của Pháp lệnh ĐVCN năm 2003, Pháp lệnh CNQP năm 2008, Nghị định số 63/2020/NĐ-CP về CNAN, đồng thời bổ sung các quy định phù hợp được minh chứng bằng lý luận và thực tiễn. Trong số các chính sách được đề cập tại dự án luật, có 5 chính sách nổi bật: Một là, phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, AN. Hai là, hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN. Ba là, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển CNQP, AN. Bốn là, huy động nguồn lực cho CNQP, AN và ĐVCN. Năm là, mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện ĐVCN.

Đây là những nội dung cốt lõi bảo đảm mục tiêu: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển CNQP, AN và ĐVCN; tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực dân sinh cho phát triển CNQP, AN; xây dựng hệ thống cơ sở CNQP, AN tinh, gọn, mạnh, hiệu quả; xây dựng hệ thống cơ sở ĐVCN ngày càng lớn mạnh cả về quy mô và chiều sâu công nghệ; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao sáng tạo hoạt động khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm QP, AN; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm nguồn lực cho phát triển CNQP, AN và ĐVCN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thiếu tướng Lương Thanh Chương nhấn mạnh, cụm từ “xây dựng và phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng” lần đầu tiên được đề cập một cách rõ ràng trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Nghiên cứu vấn đề này có thể thấy, đây là sự phát triển lý luận về xây dựng và phát triển CNQP, AN của Đảng ta, định hình sự phát triển CNQP, AN trong thời gian tới, tạo nền tảng, tiền đề để CNQP, AN có thể tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế quốc dân, đóng góp hiệu quả, thực chất hơn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu đưa CNQP, AN trở thành một mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia.

Theo tinh thần đó, dự thảo luật đã thể chế hóa định hướng này bằng chính sách phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng. Mục tiêu của chính sách là: Phát huy hiệu quả vốn đầu tư và năng lực của các cơ sở CNQP, AN trong phục vụ nhu cầu dân sinh; đồng thời, huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế công nghiệp dân sinh cho phát triển CNQP, AN lưỡng dụng.

Một số nội dung cụ thể trong dự thảo luật về vấn đề này gồm: Quy định nguyên tắc phải đánh giá tiêu chí lưỡng dụng đối với các dự án đầu tư cho CNQP, AN; lồng ghép đánh giá hiệu quả đáp ứng CNQP, AN đối với các chương trình, đề án, dự án đầu tư cho công nghiệp dân sinh từ ngân sách nhà nước; quy định các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ lưỡng dụng; ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng trong hợp tác quốc tế; xây dựng danh mục công nghệ lưỡng dụng phục vụ CNQP, AN được ưu tiên, khuyến khích đầu tư phát triển. Dự kiến tập trung vào một số lĩnh vực: Vũ trụ và vệ tinh; tác chiến không gian mạng, an ninh mạng; công nghệ lượng tử (chế tạo siêu máy tính); trí tuệ nhân tạo; các thiết bị tự hành (thiết bị bay, lặn không người lái, xe chiến đấu; công nghiệp robot (kết hợp trí tuệ nhân tạo và thiết bị tự hành để sản xuất robot chiến đấu thay con người); công nghệ vật liệu mới...

Sự cần thiết phải xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Mục đích xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
4 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện đại
Cần thiết có quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụ thể để CNQP trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia
Nhiệm vụ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động