Khai mạc lễ hội đền Cổ Loa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghi lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Cổ Loa. |
Lễ hội đền Cổ Loa là một trong những lễ hội từ lâu đời của văn hóa Việt, đồng thời cũng là lễ hội lớn nhất của mảnh đất Đông Anh, được tổ chức tại đền Thượng (đền Cổ Loa) - nơi thờ vua Thục Phán và những người có công với Nhân dân.
Tương truyền rằng, ngày mùng 6 tháng Giêng vua An Dương Vương nhập cung, ngày mùng 9 tháng Giêng tổ chức khao quân nên người dân thành Cổ Loa lấy ngày mùng 6 làm chính hội để tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương. Đặc biệt, lễ hội đền Cổ Loa cũng minh chứng tầm quan trọng với người dân Đông Anh qua câu nói vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mùng 6 tháng Giêng”.
Vì vậy, hàng năm, khi ăn tết cổ truyền xong thì vào ngày mùng 6 Tết, người dân Đông Anh lại nô nức tổ chức lễ hội đền Cổ Loa để tưởng công đức của vua An Dương Vương - Người có công sáp nhập bộ lạc Âu Việt - Lạc Việt thành lập nên Nhà nước đầu tiên của nước ta, quốc gia Âu Lạc hùng mạnh, mở mang bờ cõi xuống đồng bằng, miền biển, dựng kinh đô Cổ Loa.
Vua An Dương Vương chính ngôi 50 năm, trong đó có 18 năm đắp lũy, xây thành và 10 năm chống giặc ngoại xâm.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh phát biểu khai mạc lễ hội đền Cổ Loa năm 2023. |
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, cách đây hơn 2300 năm, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống hơn 50 vạn quân Tần thắng lợi, Thục An Dương Vương đã xây dựng Loa thành tạo nên kinh đô Cổ Loa của nước Âu Lạc, một trong những di tích lịch sử vô cùng quý giá với các vòng thành độc đáo, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, các khu di chỉ khảo cổ học quan trọng, nơi hai lần được chọn là kinh đô của nước Việt. Trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.
“Trải qua mấy nghìn năm thăng trầm của lịch sử, di tích thành Cổ Loa vẫn sừng sững tồn tại với thời gian, vẫn là kho lưu trữ hồ sơ lịch sử phong phú, giá trị. Mỗi lớp đất là một trang sách đời mà chữ viết là trống đồng, mũi tên đồng, mảnh gốm thô, rìu đá, chì lưới, cùng với nét văn hoá truyền thống cổ xưa được mỗi người dân Cổ Loa gìn giữ, phát huy” - ông Nguyễn Xuân Linh nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, năm 2023 có ý nghĩa quyết định, khẳng định việc hoàn thành toàn diện các tiêu chí, điều kiện để huyện Đông Anh thành quận, xã thành phường. Vì vậy, việc bảo vệ, bảo tồn bản sắc, giá trị của di tích Cổ Loa, Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi người dân Đông Anh và Thủ đô Hà Nội.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương tại lễ hội đền Cổ Loa. |
Trước đó, vào tối 26/1 (mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão), huyện Đông Anh đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa Lễ hội Cổ Loa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Đông Anh nói chung và cộng đồng Bát xã Loa thành nói riêng trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Cổ Loa.
Theo truyền thống, lễ hội đền Cổ Loa sẽ kéo dài từ ngày mùng 6 - 16 tháng Giêng với nhiều hoạt động văn hóa, lễ - hội tại Bát xã Cổ Loa, gồm các làng: Cổ Loa, Sằn Giã, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Ngoại Sát, Thư Cưu, Văn Thượng.
Lễ hội khai ấn Đền Trần Nam Định trở lại sau 3 năm tạm dừng: Dự kiến sẽ rất đông du khách | |
Hội chữ xuân Văn Miếu khai mạc khi nào? | |
Hà Nội: Tưng bừng khai mạc lễ hội Gióng 2023 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại