Thứ tư 24/04/2024 11:51

In lại 300 cuốn phim nhựa đã hư hỏng tại Hãng phim truyện Việt Nam là chưa cần thiết?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gần 20 nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đã ký vào đơn kiến nghị gửi lên bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về 300 bản phim, bao gồm cả những bộ phim kinh điển bị hỏng do sự “bỏ bê” của Vivaso. Lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, ông chia sẻ với nghệ sĩ những bức xúc trước thực trạng chung của hãng phim nhưng việc yêu cầu Vivaso in lại những phim bị hư hại tại thời điểm này là chưa cần thiết.
In lại 300 cuốn phim nhựa đã hư hỏng tại Hãng phim truyện Việt Nam là chưa cần thiết?
Tình trạng hiện tại của gần 300 cuốn phim trong kho của Hãng phim truyện Việt Nam

Các bản phim gốc đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện Phim Việt Nam

Trong đơn gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thanh tra Chính phủ, Cục trưởng Cục Điện ảnh trình bày về việc Công ty Vận tải thủy Vivaso “do thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm”, đã không sửa hệ thống điều hòa bảo quản lạnh của kho phim thuộc Hãng phim truyện Việt Nam trong nhiều tháng. Hậu quả là 300 bản phim gốc dương bản, bao gồm nhiều phim từ thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam cho tới ngày nay đã bị hủy hoại, mốc, dính bết không thể sử dụng được nữa. Trong đơn, các nghệ sĩ phân tích, những bản phim dương bản gốc (positive) bị hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam là một trong hai bản duy nhất còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.

Một bản khác đang được lưu giữ tại Viện Phim (với mục đích lưu chiểu). Trong điện ảnh, bản positive (dương bản) này chính là bản gốc, là tác phẩm hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng, chứ không phải là bản sao.

Để in lại bản phim dương bản gốc mới hoặc số hóa chúng là rất phức tạp và đòi hỏi kinh phí cao, đặc biệt là khi phải phục chế các bản phim negative (âm bản) gốc đã cũ.

Các bản negative này theo thời gian đều sẽ xuống cấp và bắt buộc phải được phục chế trước khi in. Đây là một quá trình cần công nghệ và tay nghề người thực hiện rất cao, trên thế giới cũng không có nhiều cơ sở có khả năng phục chế và số hóa phim đạt chuẩn quốc tế.

Vì vậy các nghệ sĩ cho rằng việc Vivaso làm hỏng một trong 2 bản gốc của 300 bộ phim ở Hãng phim truyện Việt Nam do sự vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết về nghề nghiệp điện ảnh đã gây tổn thất "rất nghiêm trọng" cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Các nghệ sĩ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, chuyên sâu, xác đáng về thiệt hại của việc 300 bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Các nghệ sĩ cũng kiến nghị phương án đền bù thiệt hại “đơn giản nhất là Vivaso, bằng cách nào đó, phải in lại toàn bộ các bản phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế của các bản phim positive gốc và chuyển lại cho Chính phủ quản lý”.

Trả lời vấn đề này, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, nhằm đánh giá hiện trạng bảo quản kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam, Cục Điện ảnh và Viện phim Việt Nam đã cử cán bộ xuống Hãng khảo sát, xem xét. Thực trạng cho thấy những cuốn phim này đã bị hư hỏng nặng. Tình trạng này đã diễn ra vài năm nay, do những cuốn phim không được bảo quản đúng điều kiện tiêu chuẩn. Sau cổ phần hoá, trách nhiệm quản lý, bảo quản và đầu tư cơ sở vật chất tại Hãng phim, trong đó có kho phim thuộc về Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là nhà đầu tư chiến lược, nắm phần lớn cổ phần. Các nghệ sĩ của Hãng phim hầu như không có ai được vào kho phim để nắm bắt thực trạng những bộ phim được bảo quản như thế nào. Cụ thể, 291 bộ phim gồm có 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ, 13 phim còn lại do Hãng phim truyện Việt Nam tự khai thác, hợp tác sản xuất. Trước đây, trong thời kỳ điện ảnh sản xuất phim nhựa, mỗi phim trong số 278 phim đặt hàng sau khi sản xuất đều có một bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Bản được giữ tại Hãng phim truyện Việt Nam phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu phim.

Theo quy định, mỗi phim nhựa trong số 278 phim đặt hàng sau khi sản xuất đều có một bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện Phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Ngoài ra còn có một bản lưu chiểu tại Cục Điện ảnh.

Ông Thành khẳng định hiện các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển, đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện Phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị. Các bản phim được giữ tại Hãng phim truyện Việt Nam là để phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu phim, không phải là để lưu trữ. Từ khi ra đời bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất cho đến khi Luật Điện ảnh ban hành năm 2006, chức năng nhiệm vụ của Hãng phim truyện Việt Nam luôn được quy định là sản xuất phim, không phải lưu trữ. Luật Điện ảnh cũng quy định cơ sở lưu trữ phim của ngành văn hóa chỉ duy nhất có Viện Phim Việt Nam. Phim sau khi sản xuất được lưu chiểu tại Cục Điện ảnh và lưu trữ tại Viện Phim. Hết thời gian lưu chiểu thì đưa về lưu trữ tại Viện Phim. Như vậy Viện Phim có hai bản gốc.

Bản gửi tại Cục Điện ảnh để lưu chiểu là bản positive hoàn chỉnh. Viện Phim Việt Nam lưu trữ, bảo quản cả bản gốc là negative sound + negative hình (màu hoặc đen trắng) và bản positive (hoàn chỉnh) chuẩn màu và hình.

Ông Thành cho biết, về kiến nghị của các nghệ sĩ, gợi ý Bộ VH,TT&DL yêu cầu Vivaso in lại toàn bộ phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, điều này là chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn hiện nay, cũng như không phù hợp theo quy định của Luật Điện ảnh. Tuy nhiên, trước thực trạng của 278 bản phim tại Hãng phim như hiện nay, để xác định rõ mức độ thực tế cũng cần có ý kiến, phân tích của các chuyên gia có chuyên môn sâu về kỹ thuật điện ảnh nói chung, kỹ thuật in tráng phim nhựa, kỹ thuật chỉnh tiếng, chỉnh màu nói riêng.

Ông Thành bày tỏ thêm: “Tôi hiểu rằng các nghệ sĩ rất bức xúc trước thực trạng nói chung của hãng phim cũng như tình cảnh của kho phim hiện giờ. Việc không chú trọng bảo quản tạo nên hỏng hóc nặng nề như thế này chắc chắn tạo nên thiệt hại không nhỏ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc thù của những cuốn phim này đòi hỏi phải được bảo quản trong điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo, phải có các chuyên gia kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ chứ không thể bỏ bẵng đi trong suốt một thời gian như thế. Nếu hãng phim coi những bản phim này là tài sản thì nhất thiết phải có kế hoạch và phương án bảo quản”.

Gần 300 cuốn phim tại Hãng phim truyện đã được số hóa nên không cần lưu bản phim nhựa?

Trước đó vào ngày 24/3/2023, trong cuộc họp báo của Bộ VH,TT&DL, bà Phan Linh Chi - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính của Bộ - đã trả lời báo chí rằng 300 bản phim bị hỏng của Hãng phim truyện "chỉ là bản sao, bản copy, các bản gốc đã được lưu trữ tại Viện Phim và chúng ta có thể yên tâm về hiện trạng các di sản". Phát ngôn này khiến các nghệ sĩ cho rằng không đúng và họ không đồng tình vì nó "đã làm giảm nhẹ thiệt hại, gây hiểu nhầm tai hại cho công chúng".

In lại 300 cuốn phim nhựa đã hư hỏng tại Hãng phim truyện Việt Nam là chưa cần thiết?
Cục Điện ảnh và Viện phim Việt Nam đã cử cán bộ xuống Hãng khảo sát, xem xét. Thực trạng cho thấy những cuốn phim này đã bị hư hỏng nặng. Tình trạng này đã diễn ra vài năm nay, do những cuốn phim không được bảo quản đúng điều kiện tiêu chuẩn

Trả lời trên một tờ báo, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (tên cũ: Hãng phim truyện Việt Nam) cho biết, trước đây, Hãng phim truyện Việt Nam sử dụng các bản sao để làm nhiệm vụ phổ biến phim theo chức năng kinh doanh của hãng. Sau này, việc phổ biến phim bằng phim nhựa không còn phù hợp. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam đã chuyển các bộ phim này dưới dạng file lưu trữ tại các ổ cứng để phục vụ công tác phổ biến phim được thuận lợi trong thời kỳ công nghệ số hiện nay.

Các bộ phim nhựa trong kho của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam hiện nay cũng đã được chiếu rất nhiều lần và đã không còn chất lượng để chiếu từ rất lâu, thêm nữa, cũng không còn nơi nào sử dụng máy chiếu phim nhựa. Vì thế, phim nhựa này không còn sử dụng được nữa.

Xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam: Vẫn tiếp tục chờ? Xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam: Vẫn tiếp tục chờ?
Yêu cầu kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Yêu cầu kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động