Thứ bảy 14/09/2024 10:53
Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhằm rà soát, góp ý hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc vừa chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, đơn vị.
Hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo động lực thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững
Hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo động lực thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Chính sách 1 đã được Chính phủ thông qua là “Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực hiệu quả”.

Theo đó, tại Chương II dự thảo Luật quy định về Tổ chức chính quyền Thủ đô tại TP Hà Nội (từ Điều 8 đến Điều 18). Chương này tập trung quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp của TP Hà Nội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các chủ thể này trong một số lĩnh vực. Trong đó, về mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô, không tổ chức HĐND phường; bổ sung cấp chính quyền TP thuộc TP Hà Nội. Tăng cường tổ chức bộ máy của HĐND TP.

Dự thảo Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP thuộc TP Hà Nội; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã; UBND, Chủ tịch UBND phường với 03 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn. Riêng đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, dự thảo Luật có những quy định cụ thể về phân quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội, HĐND, UBND TP thuộc TP Hà Nội.

Liên quan tới phân cấp ủy quyền, điểm d khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật quy định UBND TP Hà Nội phân cấp hoặc ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP Hà Nội cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và TP thuộc TP Hà Nội.

Các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã và TP thuộc TP Hà Nội được ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới. Chủ tịch UBND TP Hà Nội có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hành chính khác trực thuộc UBND TP Hà Nội.

Như vậy, dự thảo Luật quy định ngoài việc thực hiện việc ủy quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì dự thảo Luật này mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của UBND TP Hà Nội, việc ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và cho phép các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã và TP thuộc TP Hà Nội được ủy quyền cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới…

Theo GĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn, các quy định tại dự thảo đang hướng đến mục tiêu phân cấp ủy quyền đến tận cơ sở nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc, tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14.

Còn việc thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù tại Hà Nội, cần căn cứ vào nhu cầu thực tế song cũng cần quy định theo hướng mở để giải quyết nhu cầu thành lập khi có phát sinh về sau này.

Cùng với đó, đại diện một số Bộ, ngành cũng đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội.

Qua đó, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu các đơn vị, các Bộ, ngành phối hợp rà soát, góp ý để đảm bảo tiến độ đặt ra. Thứ trưởng đề nghị cần thể hiện rõ quy định cơ quan chuyên môn ủy quyền cho cơ hành chính Nhà nước cấp dưới để giải quyết các TTHC nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đi cùng với vấn đề ủy quyền là nhiều điều kiện, trong đó có thể kể đến điều kiện để người nhận ủy quyền thực hiện công việc, cơ chế giám sát thực hiện việc này để khả thi trong thực tiễn.

Thứ trưởng bày tỏ đồng tình theo hướng dự thảo Luật chỉ quy định việc thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù còn thẩm quyền giao Chính phủ. Đối với các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, dự thảo Luật chỉ nên quy định các nội dung đặc thù, làm rõ điều kiện tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, phù hợp bối cảnh tinh giản biên chế; chế độ chính sách cần tương ứng với chất lượng cán bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, cán bộ của Hà Nội, thành phần đại biểu HĐND phải tinh túy hơn các nơi khác, đảm bảo ít nhưng chất lượng, chú trọng chất lượng hơn số lượng.
Hà Nội: Tuyên truyền dự thảo chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô
Hà Nội triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động