Thứ sáu 19/04/2024 21:05
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng:

Hoàn thành rà soát, lấy mẫu xét nghiệm người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức trước 21g ngày 2-10

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cần chủ động rà soát người liên quan đến bệnh viện thông qua Tổ Covid cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm xong trước ngày 21g hôm nay; bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Thành phố công bố trước 8g ngày mai (3-10)-Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu.

Trên 70% dân số được tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19

Chiều 2-10, Sở Chỉ huy Phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội đã giao ban trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng chống dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì.

Báo cáo tại buổi giao ban, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ 18g ngày 1-10 đến 12g ngày 2-10 trên địa bàn TP có 19 ca mắc Covid-19 liên quan đến bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Như vậy, đã có 28 ca liên quan đến bệnh viện này, trong đó có 22 ca mắc tại Hà Nội (11 người ở Hà Nội) và 06 ca mắc tại các tỉnh, thành khác.

Đến trưa 2-19, đã lấy được 7.260 mẫu những người liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong đó, 4.384 mẫu là nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc; 1.385 mẫu tại khu dân cư xung quanh bệnh viện; 1.491 mẫu là những người về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiện còn 200 mẫu đang chờ kết quả CDC.

Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, từ sáng 2-10 đến 12g ngày 2-10 đã tiêm được 19.380 mũi, trong đó 924 mũi 1 còn lại là mũi 2.

Thống kê đến nay, đã tiêm 7.129.401 mũi (trong đó 5.831.532 mũi 1, đạt 96,9% dân số trên 18 tuổi và đạt 70,3% tổng dân số; 1.293.879 mũi 2, đạt 21,5% dân số trên 18 tuổi trong độ tuổi tiêm chủng, 15,8% tổng dân số).

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện thị xã tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở; rà soát các trường hợp đi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 15-9 để xét nghiệm và thực hiện cách ly…

Đại diện Sở Công thương khẳng định, việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP tính đến ngày 19-9 ổn định. Các quận, huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Nguồn hàng tại các hệ thống phân phối, siêu thị dồi dào, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Hiện nay có 70.120 nhân khẩu bị cách ly tại nơi cư trú và đều được các địa phương cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm.

Theo Sở Công thương Hà Nội, các cụm công nghiệp trên địa bàn TP vẫn đang sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn đến đâu tổ chức sản xuất đến đó. Sở cũng đã trình TP phương án về thực hiện kế hoạch phục hồi, thúc đẩy kinh tế đảm bảo an toàn trong lĩnh vực công thương sau 21-9; đồng thời đang góp ý với Công an Thành phố xây dựng phương án kiểm soát việc phương tiện ra vào TP.

5 nguy cơ dịch bệnh lây lan tại thành phố

Sau khi nghe một số sở, ngành, quận, huyện báo cáo, kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Sau khi kết thúc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ 6g ngày 21-9 Hà Nội thực hiện Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND Thành phố. Trong thời gian từ ngày 21-9 đến 30-9 số ca mắc trên địa bàn TP giảm đáng kể, số ca mắc ngoài cộng đồng chỉ dưới 1 ca/ngày.

Hoàn thành rà soát, lấy mẫu xét nghiệm người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức trước 21g ngày 2-10
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi giao ban chiều 2-10 (ảnh P.C)

Từ 1-10 trên địa bàn xuất hiện chùm ca bệnh liên quan BV Việt Đức. Đây là chùm ca bệnh có dịch tễ phức tạp xảy ra ở BV có quy mô lớn, số lượng người ra vào thăm khám đông, nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngay sau khi phát hiện ca dương tính chỉ điểm TP, Sở Y tế, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp để khống chế lây lan dịch bệnh.

Từ 21-9 đến nay Hà Nội cơ bản tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, tuy vậy nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn tiềm ẩn do: còn mầm bệnh, các trường hợp dương tính ngoài cộng đồng; Nguy cơ lớn dịch xâm nhập từ bên ngoài khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, chuyển sang biện pháp chống dịch mới-đặc biệt mở rộng hoạt động về giao thông;

Do tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân, cơ quan quản lý cũng chủ quan, lơ là cảm thấy phần nào yên tâm khi khống chế bước đầu dịch bệnh-tâm lý này là nguy cơ tiềm ẩn cho sự bùng phát dịch trở lại;

Giao mùa mùa thời tiết mùa Đông tạo thuận lợi cho việc phát triển của virus; Nguy cơ biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ ngắn 2-3 ngày.

“Với các nguy cơ đó chúng ta phải tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch ở cấp độ cao nhất, tuyệt đối không chủ quan lơ là. Đặc biệt thời gian qua TP tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, trong đó có hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, trung tâm thương mại được mở cửa. Nới lỏng hoạt động phải kèm theo các siết chặt các biện pháp quản lý, công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Duy trì các chốt tự quản tại khu dân cư

Từ những nguy cơ nêu trên, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng đề nghị các sở ngành TP, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn triển khai nghiêm các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 của Chủ tịch UBND TP ngày 20-9 với một số nội dung cụ thể bao gồm: Duy trì các cửa ngõ then chốt ra vào TP. Đề nghị các lực lượng phân công, các địa phương thực hiện nghiêm.

Duy trì các chốt tự quản tại khu dân cư theo dõi di biến động của người dân, duy trì hoạt động của các tổ Covid cộng đồng, sự tham gia của của người dân. Chỉ thị 22 đã nêu rõ nội dung này, Phó Chủ tịch đề nghị các địa bàn tiếp tục duy trì để theo dõi di biến động, phát hiện các trường hợp thực hiện sai quy định về phòng chống dịch.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch, không tập trung đông người, thực hiện nghiêm quy định 5K trong phòng dịch.

Thực hiện hậu kiểm: kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các địa phương, phân cấp hậu kiểm kiểm tra cho Chủ tịch UBND ở các địa phương.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: thời gian qua người dân, doanh nghiệp tham gia cài đặt, quét mã QR code có sự gia tăng đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên để đảm bảo công tác phòng chống dịch cần làm mạnh mẽ hơn, đặc biệt các địa phương cần có kế hoạch hướng dẫn cho người dân, có kế hoạch giám sát kiểm tra-đặc biệt với các cơ sở kinh doanh.

Trong công tác phòng chống dịch thực hiện theo phương châm 5K + vắc-xin + thuốc + công nghệ + ý thức người dân. Đây là quan điểm xuyên suốt mà Ban chỉ đạo Quốc gia và TP chỉ đạo, đề nghị các đơn vị quan tâm thực hiện nội dung này.

Liên quan chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các địa phương-Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn khẩn trương truy vết, tổ chức xét nghiệm một cách nhanh nhất theo hướng dẫn của ngành y tế để xác định các trường hợp dương tính liên quan đến chùm ca bệnh tại đây.

Đề nghị Sở Y tế, UBND quận Hoàn Kiếm, Bộ tư lệnh Thủ đô và các địa phương phối hợp giải quyết đề nghị của BV Việt Đức, trong đó có đề nghị liên quan đến giảm mật độ số người trong khu vực bệnh viện, chuyển người nhà bệnh nhân theo danh sách bệnh viện cung cấp đến nơi cách ly tập trung theo thống nhất của Bộ Y tế.

Đề nghị các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn ngoài danh sách do phía Bệnh viện Việt Đức cung cấp cần chủ động rà soát người liên quan đến bệnh viện thông qua Tổ Covid cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức từ ngày 15-9 đến nay, xong trước ngày 21g ngày 2-10 bàn giao cho CDC TP để CDC TP trả kết quả trước 8g ngày 3-10.

Phó Chủ tịch nhấn mạnh: “Các đơn vị cần rà soát lại không để sót trường hợp liên quan chùm ca bệnh ở Bệnh viện Việt Đức. Sau này địa phương nào chủ quan không làm triệt để, để dịch lây lan dịch bệnh trên địa bàn thì địa phương đó chịu trách nhiệm”.

Tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cũng đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các Trung tâm Y tế triển khai phần mềm ứng dụng về xét nghiệm theo yêu cầu của Trung tâm công nghệ Quốc gia phòng chống Covid-19 ngay việc cập nhật lên phần mềm xét nghiệm.

Tăng cường ứng dụng CNTT, triển khai phần mềm dựa trên sử dụng dữ liệu dân cư để phòng dịch. Các địa phương có kế hoạch tập huấn, tuyên truyền người dân cài đặt, sử dụng dữ liệu QR Code…

Sở Y tế hướng dẫn triển khai mô hình bác sỹ gia đình với 100% các trạm y tế để đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho cở sở y tế cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản nhất. Triển khai quản lý phần mầm sức khỏe cho 100% người dân; tin học hóa, số hóa cho trạm y tế.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các địa phương có khu công nghiệp kiểm tra đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức xét nghiệm thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với cán bộ, công nhân khu công nghiệp; rà soát và xây dựng phương án lập trạm y tế lưu động đặt tại khu công nghiệp…

Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội khuyến cáo: Hiện người dân ra đường vẫn đông, xuất hiện nhiều khu vực không đảm bảo giãn cách; qua phản ánh của báo chí cho thấy nhiều người dân đến các địa điểm không quét mã QR Code. Khuyến cáo dân khai báo y tế hàng ngày và đi đến đâu quét QR đến đó để dễ quản lý truy vết.

Người dân khi ho, sốt khai báo ở trạm y tế và lấy mẫu; người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức cần cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe; người ở vùng dịch về thực hiện nghiêm cách ly; giám sát chặt lái xe luồng xanh, shipper-tăng cường truyền thông để giữ đúng tiếp xúc, phương thức thanh toán đảm bảo phòng dịch.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động