Thứ ba 21/05/2024 10:04

Hòa giải viên là hạt nhân, gương mẫu trong triển khai, tổ chức hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hôm nay (8/11), tại Hà Nội sẽ diễn ra Vòng thi toàn quốc Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Hòa giải viên là hạt nhân, gương mẫu trong triển khai, tổ chức hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Ảnh: VGP/LS

- Xin Thứ trưởng chia sẻ đôi nét về mục đích, ý nghĩa của Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần này?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Hiện nay, cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Đóng góp vào thành công đó, phải nhắc tới vai trò quan trọng của các Hoà giải viên trong việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, ổn định trật tự, an toàn xã hội, mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho từng gia đình và cộng đồng.

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức là sự kiện sinh hoạt chính trị, pháp lý ý nghĩa, có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn trong xã hội. Tất cả 63 tỉnh, TP đã tích cực hưởng ứng, tham gia Hội thi với tinh thần phấn khởi, trách nhiệm cao.

Với tinh thần đó, Hội thi được tổ chức không chỉ nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, đưa Luật Hòa giải ở cơ sở vào thực tiễn cuộc sống mà còn góp phần tích cực phổ biến pháp luật đến Nhân dân.

Hội thi là cơ hội để đội ngũ Hòa giải viên trên cả nước được giao lưu, củng cố kiến thức, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động hòa giải, thúc đẩy giao lưu văn hóa pháp lý, trao đổi, học tập kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác hòa giải cơ sở tại các địa bàn và phát huy, biểu dương, tôn vinh những Hòa giải viên điển hình xuất sắc.

Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa của Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV năm nay, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp đã xác định Hội thi là sự kiện điểm nhấn, thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023.

- Trải qua các Vòng thi khu vực, trong quá trình theo dõi, chỉ đạo, Thứ trưởng đánh giá và cảm nhận như thế nào về Hội thi nói chung, tham gia của các đội thi, sự tích cực chuẩn bị, tham gia của các địa phương cho Hội thi nói riêng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Để tạo thuận lợi cho các địa phương tham dự, bảo đảm tiết kiệm, Hội thi được tổ chức theo 2 vòng. Vòng thi khu vực được tổ chức tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam để lựa chọn ra các đội thi xuất sắc nhất đại diện cho mỗi khu vực tham dự Vòng thi toàn quốc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Tương tự như 3 lần tổ chức Hội thi trước đây của Bộ Tư pháp (năm 2000, năm 2005 và năm 2016), Hội thi lần này được tổ chức thông qua hình thức sân khấu hóa để bảo đảm tính hiệu quả, sinh động, chất lượng, cũng như đề cao tinh thần đồng đội, sự chủ động, sáng tạo của người dự thi, phù hợp hơn với thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay.

Thực hiện kế hoạch tổ chức Hội thi của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức Hội thi và UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm, chuẩn bị chu đáo cả về nội dung và công tác tổ chức, truyền thông Hội thi. Hội thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các Hòa giải viên trên cả nước.

Trong quá trình tham dự Hội thi Vòng thi khu vực, tôi nhận thấy, các Hòa giải viên đã thể hiện được hiểu biết pháp luật và kỹ năng hòa giải khéo thông qua các phần dự thi của mình; giới thiệu những đặc trưng văn hóa, kinh tế, xã hội và công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương. Nhiều đội thi có màn giới thiệu, chào hỏi tạo ấn tượng khó quên đối với người xem, nhiều tiểu phẩm dự thi của các đội đã để lại trong lòng người xem những cảm xúc và thông điệp về tình cảm gia đình, có tính giáo dục và nhân văn sâu sắc.

Đến nay, Vòng thi tại các khu vực đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự tham gia của 250 hòa giải viên tiêu biểu đại diện cho hơn 500.000 Hòa giải viên của 63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương trên cả nước. Qua các vòng thi khu vực, Ban Tổ chức đã lựa chọn, trao 3 giải Nhất, 5 giải Nhì, 7 giải Ba, 22 giải khuyến khích và 42 giải Phụ cho các đội thi và hòa giải viên xuất sắc.

Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn 14 đội thi xuất sắc nhất các khu vực vào Vòng thi chung kết toàn quốc gồm các đội thi đến từ các tỉnh, TP: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Ninh Bình, Nghệ An, TP Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Vòng thi toàn quốc Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ IV tới đây sẽ được tổ chức vào ngày 8/11/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Lễ tổng kết và trao giải Hội thi sẽ được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h10 trên kênh VTV1. Tôi hy vọng, tại Vòng thi toàn quốc, tất cả 14 đội thi sẽ thể hiện hết mình, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, Ban Giám khảo và Ban Tổ chức Hội thi.

- Đến thời điểm này, có thể nói, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV đã bước vào giai đoạn cuối cùng, Thứ trưởng nhắn gửi điều gì đến những Hòa giải viên xuất sắc tham dự vòng thi toàn quốc nói riêng cũng như đội ngũ hòa giải viên nói chung trên cả nước?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Qua theo dõi phần thi tại Vòng khu vực, tôi nhận thấy rằng, 14 đội thi vào Vòng thi toàn quốc lần này đều là những đội rất mạnh và đều xứng đáng đoạt giải Hội thi. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, nếu hòa giải thành thì không có người thắng, người thua mà các bên đều thắng.

Vì vậy, tôi mong mỗi Hòa giải viên sẽ tuân thủ thể lệ, sự điều hành của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, thật bình tĩnh, tự tin, sáng tạo, mang đầy đủ tinh thần của công tác hòa giải ở cơ sở vào Hội thi, để tiếp tục lan tỏa sâu, rộng trong xã hội và "tất cả chúng ta sẽ cùng là người chiến thắng". Kết quả tốt đẹp từ Hội thi sẽ góp phần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới.

Tôi cũng hy vọng, các Hòa giải viên khác trên cả nước sẽ thực hiện tốt vai trò tiên phong, thực sự là hạt nhân, gương mẫu trong việc triển khai, tổ chức hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác này.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Bắc: Dấu ấn đặc biệt của đội thi Hà Nội Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Bắc: Dấu ấn đặc biệt của đội thi Hà Nội
Hà Nội: Sẵn sàng cho vòng chung khảo Hội Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV Hà Nội: Sẵn sàng cho vòng chung khảo Hội Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV
Hà Nội: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở Hà Nội: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Hòa giải viên giàu trách nhiệm cùng người dân Hòa giải viên giàu trách nhiệm cùng người dân
Hà Nội: Sẵn sàng cho vòng chung kết Hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc năm 2023 Hà Nội: Sẵn sàng cho vòng chung kết Hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc năm 2023
Bí quyết hóa giải mâu thuẫn của một hòa giải viên cao tuổi Bí quyết hóa giải mâu thuẫn của một hòa giải viên cao tuổi
Lê Sơn/Báo Điện tử Chính phủ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động