Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Bắc: Dấu ấn đặc biệt của đội thi Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBan tổ chức Hội thi trao giải Nhì cho đội thi của TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Huy |
Ngày hội của những người “vác tù và hàng tổng”
Với phương châm giải quyết "thấu tình, đạt lý", hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng "lấy dân làm gốc". Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp ở cơ sở có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội, mà còn là một phương thức an dân, vận động Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước.
Theo đó, để góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên; đồng thời, biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV".
Ban tổ chức cho biết, để nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải viên, đồng thời biểu dương, vinh danh và tạo sân chơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ này ở cơ sở, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công 3 Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc. Các Hội thi đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, cơ quan thông tin đại chúng, sự hưởng ứng nhiệt tình của các hòa giải viên trên cả nước và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định: “Sinh thời Bác Hồ kính yêu rất coi trọng công tác hòa giải. Người đề cao việc tổ chức, giáo dục cán bộ, Nhân dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, làm tốt công tác vận động, thuyết phục quần chúng hòa giải ở cơ sở với phương châm “xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn”.
Hội thi Hòa giải viên toàn quốc lần thứ IV được tổ chức nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, tạo cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên đồng thời biểu dương, tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải của cơ sở.
"Để những giá trị tốt đẹp của hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, chắc chắn phải nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực, đóng góp trực tiếp của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nêu.
Dấu ấn Hà Nội trong hòa giải cơ sở tại Hội thi
Trong Hội thi, 26 đội thi của các tỉnh, TP miền Bắc tham gia thi với 3 phần: giới thiệu về các thành viên, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp như: kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...
Phần 2, các đội tham gia thi lý thuyết với việc trả lời câu hỏi trắc nghiệm và thi hòa giải khéo…
Phần 3 thi tiểu phẩm, các đội thi kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực…
Các đội tham gia thi tập trung vào nội dung chính về các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; pháp luật về hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như: dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Tại Hội thi, đội thi của Hà Nội mang đến tình huống hòa giải tranh chấp tài sản, di sản thừa kế không có di chúc. Được mô phỏng dưới dạng một tiểu phẩm, các hòa giải viên đã lồng ghép trong đó những kiến thức pháp luật, những lời hòa giải thấu tình đạt lý một cách tự nhiên, không gượng ép hay giáo điều. Mọi lời nói hòa giải đều tới từ tâm, giống như một cuộc hòa giải tại cơ sở thực sự chứ không phải đang diễn. Tiểu phẩm của đội thi đến từ Hà Nội vừa dí dỏm, vừa sâu sắc lại vừa xúc động, truyền tải nhiều kiến thức pháp luật.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, vòng loại khu vực miền Bắc là Hội thi chuyên nghiệp, các đội thi đến đây đúng với tinh thần giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Các hòa giải viên của các đội thi là những người hàng ngày đã thực hiện hòa giải ở các xóm làng, khu phố. Những người góp phần đem lại bình yên, giữ gìn an ninh trật tự cho mọi nhà, giải quyết các mâu thuẫn nội bộ tại địa phương. Giải quyết các tình huống hòa giải rất thấu tình đạt lý, theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, giải quyết tình - lý, lý - tình. Đội thi của Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đội tham gia đúng với tâm thế giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác hòa giải.
Hòa giải viên Nguyễn Viết Thành cho biết: “Năm nay tôi thấy các đội có một trình độ cao, nội dung rất thiết thực trong công tác hòa giải cơ sở. Theo tôi, hòa giải ở cơ sở là công tác quan trọng, đây là nơi hạn chế các phát sinh kiện lên tòa án. Thông điệp đội thi của Hà Nội gửi tới cuộc thi là sự giao lưu, học tập về công tác hòa giải để có thể áp dụng tại cơ sở”.
Hòa giải viên Nguyễn Kiều Trang bày tỏ, tham dự Hội thi giúp tôi có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác hòa giải với các hòa giải viên tại nhiều tỉnh, TP khác nhau. Hội thi còn giúp tôi được bồi dưỡng thêm về kiến thức pháp luật, tự tin hơn khi xử lý các tình huống. Thủ đô Hà Nội đạt giải Nhì khu vực miền Bắc, tiếp tục thi vòng chung kết toàn quốc là niềm vinh dự rất lớn.
Hội thi Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Bắc diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/9 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, TP Hải Phòng. Kết thúc vòng thi khu vực phía Bắc,6 đội thi đến từ: Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng được lựa chọn để bước vào vòng chung kết toàn quốc. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỉ lệ hòa giải thành công trên 80%. |
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 4: Hà Nội với tiểu phẩm hòa giải tranh chấp di sản | |
Hà Nội đạt giải Nhì Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Bắc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại