Hòa giải thành mâu thuẫn về ranh giới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Năng Hồng chia sẻ: “Càng gắn bó lâu tôi càng thấy yêu nghề, nhưng cũng trăn trở nhiều hơn, bởi thực trạng hiện nay, khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì những mâu thuẫn phát sinh ngày càng nhiều”. Ảnh: Văn Biên |
Hộ gia đình ông Bằng và hộ gia đình ông Điều giáp ranh với nhau ở cuối phần đất mỗi nhà. Cả hai gia đình đều đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên Giấy chứng nhận cũng thể hiện việc hai hộ giáp ranh với nhau nhưng trên thực tế tại phần giáp ranh giữa hai gia đình còn có một khe trống.
Năm 2021, ông Bằng cho thợ lắp đặt điều hòa tại gia đình. Khi thợ lắp đặt cục nóng phía sau nhà đua ra phần khe trống thì ông Điều ngăn cản, không đồng ý vì ông cho rằng phần khe trống thuộc phần đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông. Trong khi đó, ông Bằng cho rằng phần khe trống thuộc đất của nhà mình và mang cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình mình ra để chứng minh nhưng ông Điều không chịu.
Hai bên xảy ra mâu thuẫn nhưng ông Bằng nghĩ đến tình làng nghĩa xóm và cũng không muốn mọi việc phức tạp nên đã không cho thợ tiếp tục tiến hành lắp đặt cục nóng ở khoảng không thuộc khe trống khu đất. Sự việc tạm thời lắng xuống.
Nhưng mâu thuẫn lại bùng phát trở lại gay gắt hơn khi gia đình ông Điều lợp mái ban công phía sau tầng 2 đua ra phần khe trống. Do không đặt đường máng hứng nước mưa nên mỗi khi trời mưa, nước mưa chảy từ mái tôn nhà ông Điều đổ nước vào ban công phía sau nhà ông Bằng. Nước từ ban công chảy vào nhà làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình ông Bằng.
Ông Bằng đã nhiều lần nói chuyện với ông Điều tìm hướng khắc phục nhưng ông Điều không những không sửa mà còn có những lời nói khó nghe. Ông Điều khăng khăng cho rằng mình có toàn quyền sử dụng vì phần khe trống thuộc về đất gia đình nhà ông.
Nhận thấy mâu thuẫn của giữa hai gia đình ông Bằng và ông Điều không được giải quyết ổn thỏa vẫn còn “âm ỉ” tiếp diễn và còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân sống xung quanh, tổ hòa giải tổ dân phố đã quyết định vào cuộc.
Ông Nguyễn Năng Hồng là Tổ trưởng tổ hòa giải đã gặp gỡ từng gia đình để tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Nhưng mấu chốt của mâu thuẫn chưa được giải quyết vì chưa xác định được phần diện tích khe trống giữa 2 gia đình thuộc phần đất của nhà ai.
Tổ hòa giải đã chủ động đề xuất với cán bộ địa chính của phường đo đạc lại diện tích của cả hai gia đình. Kết quả đo đạc bước đầu cho thấy, phần khe trống tiếp giáp với hai gia đình không thuộc quyền sử dụng đất của ông Điều cũng như ông Bằng.
Tổ hòa giải đã tổ chức họp với đầy đủ thành phần, gồm các ông, bà là Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư Chi bộ tổ dân phố, thành viên tổ hòa giải, các ông bà trong Ban công tác Mặt trận tổ dân phố, đại diện gia đình ông Điều và gia đình ông Bằng.
Tại buổi hòa giải, tổ hòa giải đã lần lượt nghe phần trình bày của đại diện hai gia đình. Ông Hồng đã thông qua kết quả đo đạc thực tế của hai gia đình. Các thành viên trong tổ hòa giải phân tích cho hai gia đình nên nhường nhịn lẫn nhau để giữ gìn tình nghĩa bấy lâu. Tổ hòa giải vận động gia đình ông Điều cắt bỏ phần tôn lợp đua ra phần khe trống giữa hai nhà và tiến hành lắp đặt đường máng hứng nước mưa để không bị ảnh hưởng đến hộ gia đình ông Bằng. Đối với phần khe trống hiện tại chưa xác định được chủ sử dụng đất thì hai gia đình không làm thay đổi hiện trạng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Hai gia đình đều là hàng xóm láng giềng ra vào gặp nhau, mỗi bên nên hạn chế cái “tôi” cá nhân để cuộc sống được vui vẻ, bình yên.
Sau khi nghe những phân tích của các thành viên dự họp, ông Điều đã chấp thuận việc cắt bỏ phần mái tôn, lắp đặt hệ thống máng hứng nước mưa. Ông Bằng cũng đồng tình với những nội dung đã thống nhất tại cuộc họp.
Việc hòa giải thành công mâu thuẫn giữa gia đình Bằng và ông Điều đã giúp tổ dân phố giữ gìn được an ninh trật tự, giữ gìn đoàn kết khu phố. Vụ việc được hòa giải thành.
Bán anh em xa mua láng giềng gần… | |
Ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường chung |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại