Thứ ba 17/09/2024 05:48
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:

Hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã được mở rộng đến F0 cách ly tại nhà

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) thời gian qua đã góp phần hội chẩn, điều trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp, điều này thể hiện nổi bật nhất trong điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh

PV PL&XH đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế về vấn đề này.

Thời gian qua, thông qua ứng dụng Telehealth nhiều cuộc hội chẩn đã được kết nối, từ đó đưa ra phương án điều trị góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của hệ thống này trong điều trị bệnh nhân Covid-19?

Trước tiên phải khẳng định vai trò của Telehealth là cực kỳ quan trọng trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội từ đầu mùa dịch Covid-19 (năm 2020) đến nay. Nhờ có hệ thống Telehealth mà các cơ sở y tế, người dân có thể tiếp cận được những dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ở y tế cơ sở thông qua hệ thống hội chẩn, tư vấn của các chuyên gia cũng như bác sỹ có kinh nghiệm của các BV tuyến trên xuống các BV tuyến dưới trong điều kiện di chuyển khó khăn cũng như do ảnh hưởng của giãn cách.

Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 4 này tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, việc kết nối giữa các BV ở các tầng khác nhau đã giúp cho người dân có khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ y tế ngay khi có yêu cầu. Đồng thời việc hội chẩn đã giúp cho các BV tuyến dưới, đặc biệt các BV dã chiến và các đơn vị thu dung điều trị theo dõi F0 một cách có hiệu quả hơn; đã góp phần trong việc kiểm soát tình trạng bệnh trở nặng, nguy kịch cũng như tỉ lệ bệnh nhân tử vong.

Đối với các trường hợp cách ly tại nhà ở các tỉnh, TP: việc có những đường dây tư vấn, hỗ trợ thông qua dịch vụ tư vấn bằng hình ảnh hoặc giọng nói của hệ thống bác sỹ hoặc như ở TP HCM đã triển khai thí điểm hệ thống tư vấn của các thầy thuốc tư vấn tại nhà. Mình có thể sử dụng được một đội ngũ y bác sỹ rất rộng rãi ở khắp các địa bàn trên cả nước để có thể tư vấn cho người dân khi họ cách ly tại nhà, họ cần sự hỗ trợ và tư vấn về mặt y tế.

Nói chung Telehealth là hệ thống được cho là chỉ có ở ngành y tế, nhưng việc người dân tiếp cận được với hệ thống tư vấn để chăm sóc sức khỏe trong lúc cách ly là rất cần thiết. Chúng tôi đã mở rộng thêm đến F0 cách ly tại nhà để họ có thể được tiếp cận với dịch vụ y tế một cách tốt nhất.

Theo diễn biến của dịch Covid-19 với số ca mắc tăng, nhiều bệnh nhân nặng, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đã có những điều chỉnh ra sao để phát huy tối đa hiệu quả của việc hội chẩn, điều trị từ xa cho bệnh nhân Covid-19 qua hệ thống Telehealth?

Ngay từ đầu vụ dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh thành lập một Hội đồng tư vấn chuyên môn trực thuộc Tiểu ban điều trị. Trong đợt dịch năm 2020 các bệnh nhân nặng ở tất cả các cơ sở điều trị đều được hội chẩn của các chuyên gia, nhà khoa học của Hội đồng tư vấn.

Phải nói rằng việc hội chẩn trực tuyến này đã góp phần rất tích cực trong công tác cứu chữa-đặc biệt với một số bệnh nhân nặng ở các vùng, miền như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Đến bây giờ Hội đồng này vẫn hoạt động hết sức hiệu quả.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết đến làn sóng thứ 4 mô hình tư vấn đó vẫn có hiệu quả nhưng số lượng bệnh nhân trở nặng quá lớn, một Hội đồng không thể đảm đương được hết nên ở TP Hồ Chí Minh tổ chức theo mô hình BV các tầng: 1 BV tầng 3 sẽ phụ trách một số BV dã chiến ở các quận, huyện; các BV dã chiến lại kết hợp với tầng 1-các cơ sở thu dung điều trị.

Như vậy, các BV thường xuyên có hội chẩn trực tuyến để thường xuyên nắm bắt tình hình, dự kiến chuyển viện từ tầng dưới lên tầng trên, từ tầng trên xuống tầng dưới… Và đặc biệt hội chẩn để hội ý điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng ở các tầng khác nhau. Đây là sự chuyển đổi rất phù hợp với tình hình thực tiễn.

Còn ở vụ dịch năm 2020 đã rất hiệu quả rồi, đã cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng-đặc biệt là bệnh nhân 91 tại BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh.

Tình hình dịch hiện nay còn diễn biến phức tạp, vậy dựa trên mô hình Telehealth đang hoạt động hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế có chuẩn bị phương án ứng dụng tại các địa phương khác hay không?

Mô hình này Bộ Y tế và bộ phận thường trực tại TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn và có chỉ đạo cho tất cả các BV tuyến hồi sức tích cực do trung ương thiết lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nếu thời gian tới ở bất kỳ địa phương, tỉnh thành nào có tình hình diễn biến giống như tại TP Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương thì việc áp dụng mô hình này cũng hết sức hiệu quả vì đã có sự chuẩn bị đầy đủ về hướng dẫn.

Bộ Y tế đã chuẩn bị đầy đủ các phương án cũng như các hướng dẫn cần thiết để nếu có tình hình dịch xảy ra phức tạp thì có thể triển khai ở bất cứ địa phương nào một cách nhanh chóng trên nền tảng hệ thống Telehealth mà Bộ Y tế đang trong hệ thống y tế trên cả nước.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động