Hé lộ “thủ đoạn” của siêu lừa vay tiền tỷ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhạm Duy Quyền tại CQCA |
Màn kịch do "nhà tổ chức" dựng lên để lấy thông tin
Ngày 29/8, CQ CSĐT - CA quận Hà Đông, TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Duy Quyền, SN 1977, quê quán xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời tiếp tục làm việc với những người liên quan trong vụ án.
Theo điều tra, khoảng tháng 11/2020, Phạm Duy Quyền đăng bài lên các nhóm “Chạy tiệc cưới Hà Nội”, “Phát tờ rơi Hà Nội”… với nội dung tuyển người nghe hội thảo Credit. Mục đích của việc này nhằm mục đích lấy thông tin cá nhân, từ đó làm hồ sơ vay tiền qua Cty VietCredit.
Để thu hút sự chú ý, Quyền thông báo: “Ai đến dự sẽ được nhận 80.000 đồng”. Và khi khách đến dự hội thảo, Quyền yêu cầu chụp lại CMND, CCCD, gửi qua số điện thoại của Quyền.
Trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021, Quyền đã mượn danh nghĩa của một số tổ chức, cá nhân để mở hội thảo tại 2 địa điểm: Số 229 Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Hà Đông và số 131 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông.
Những người đến dự hội thảo đều được Quyền thông báo “phải ngồi nghe từ 1 đến 2 giờ, trước mắt chỉ cần điểm danh bằng cách cầm CMND và CCCD chụp ảnh” và hướng dẫn 3 bước như sau: Chụp ảnh CMND/CCCD hai mặt với thẻ nhân viên của VietCredit; Chụp ảnh với nhân viên của VietCredit; Chụp ảnh cầm 1 thẻ ATM in logo VietCredit.
Rất nhiều người đã làm theo những hướng dẫn này mà không hề biết họ đang rơi vào màn kịch tinh vi do "nhà tổ chức" dựng lên. Kết thúc hội thảo, Quyền tìm cách mua nhiều sim điện thoại, sử dụng các thông tin cá nhân có được rồi tự viết hợp đồng, tự ký tên của các khách hàng để làm hồ sơ vay tín dụng của Cty VietCredit.
CQĐT xác định, cho đến khi hành vi phạm tội bị lộ, Phạm Duy Quyền đã sử dụng thông tin của 139 người, chủ yếu là sinh viên, để làm hồ sơ vay tín dụng của Cty VietCredit, qua đó chiếm đoạt số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
CQ CSĐT - CA quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Duy Quyền để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tiếp tục làm việc với những người liên quan trong vụ án.
Tuy nhiên, một vấn đề mà CQĐT chỉ rõ là sự lỏng lẻo trong việc xét duyệt hồ sơ, chấp thuận cho vay tiền của DN trong vụ án này. Bình quân mỗi hồ sơ vay tiền ít nhất 13 triệu đồng. Vậy nhưng chỉ một mình Quyền với thông tin căn cước và ảnh của người khác lại dễ dàng làm thủ tục vay tiền rồi chiếm đoạt.
CQĐT sẽ làm rõ vai trò có đồng phạm hay không?
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là một trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Yếu tố đặc trưng của tội danh này là thủ đoạn gian dối của người thực hiện hành vi phạm tội, đưa ra thông tin sai sự thật, sử dụng các tài liệu giả mạo hoặc các thủ đoạn khác để làm cho nạn nhân tin tưởng trao tài sản cho đối tượng phạm tội, sau khi có được tài sản thì đối tượng không có ý định trả lại tài sản, chiếm đoạt tài sản đó, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân.
Luật sư Nguyên viện dẫn, tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rõ về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
CQĐT cũng sẽ làm rõ vai trò có đồng phạm hay không? Với những người tuy có hành vi vi phạm pháp luật phải được xác định là đồng phạm nhưng vai trò là thứ yếu, giúp sức, không đáng kể, phạm tội do bị ép buộc, bị dụ dỗ, cũng có thể sẽ được áp dụng biện pháp khác mà không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyên cho rằng, trong vụ án này, CQĐT cũng có trách nhiệm phải làm rõ thông tin, danh tính của những bị hại, làm rõ số tiền cụ thể mà từng bị hại đã bị chiếm đoạt, thời điểm chiếm đoạt, phương thức thủ đoạn chiếm đoạt và đặc biệt là thủ đoạn gian dối với mục đích để chiếm đoạt tài sản do ai thực hiện, thực hiện từ khi nào, bằng phương pháp nào. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại