Hành vi “xấu xí” của một vài cá nhân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVượt rào khỏi khu phong tỏa
Trước đó, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm phát hiện một thành viên của đội tự quản trật tự đô thị đã dương tính với Covid-19, ngay sau đó lực lượng chức năng đã phong toả khu vực này. Tuy nhiên, đêm 1-8 đã xảy ra tình trạng nhiều người dân có mặt ở nhiều điểm dọc đường đê Hồng Hà (không phải điểm chốt kiểm soát ra vào của lực lượng chức năng), mang theo đồ và gọi người ra vận chuyển vào bên trong khu cách ly. Một số người đã tìm cách vượt rào để vận chuyển đồ, thậm chí có người trèo rào ra ngoài, lên xe có người chờ sẵn rồi rời khỏi khu vực cách ly. Mặc dù cho lực lượng chức năng đã dựng barie, thậm chí căng dây thép gai chốt chặn các ngả vào ra phường Chương Dương.
Ngay sau đó UBND quận Hoàn Kiếm đã có phương án củng cố, bố trí tăng cường lực lượng tại các chốt trực, trong đó bố trí thêm chốt trực tại địa bàn phường Phúc Tân để phòng ngừa không để vi phạm phát sinh. Đối với các trường hợp vượt rào thép gai rời khỏi khu phong tỏa, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao UBND phường Phúc Tân lập hồ sơ xử lý 2 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 4 triệu đồng, nếu xét thấy tính chất nghiêm trọng có thể chuyển các cơ quan chức năng để xử lý theo luật định.
Người dân vượt rào thép gai vận chuyển đồ, rời khỏi khu cách ly ở Hà Nội |
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ việc một số người dân tự ý vượt rào, ra khỏi khu phong tỏa tại khu vực Hồng Hà, Chương Dương trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng rất cao. Bởi vậy cần phải xử lý thật nghiêm để răn đe.
Theo luật sư Thái, việc tiếp xúc với nhau và tiếp xúc với bên ngoài ở những khu phong tỏa khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Đã là các khu phong tỏa thì người dân tuyệt đối ở trong nhà, không được phép ra ngoài. Người nào ra khỏi khu phong tỏa là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì thế việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, thực hiện giãn cách xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng dịch là điều cần thiết. Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ những người có hành vi vi phạm tự ý vượt rào, trốn ra khỏi khu phong tỏa để có những biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trước tiên có thể xử phạt hành chính, trường hợp hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý thật nghiêm để răn đe
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì trường hợp người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp trốn khỏi nơi cách ly, phong tỏa hoặc vi phạm quy định về cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240, BLHS năm 2015 về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người”, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Nội dung này cũng được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn chi tiết tại Điểm 1.1 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295, BLHS năm 2015, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Thái đánh giá, trường hợp tự ý tiếp xúc với người khác trong khu vực phong tỏa hoặc vượt ra khỏi khu vực phong tỏa mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị xử lý hình sự. Trường hợp vi phạm nhưng không làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, tuy nhiên làm phát sinh chi phí chống dịch từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 295, BLHS năm 2015.
Ngoài ra, theo luật sư, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các chốt trực, các cán bộ có trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý khu vực bị phong tỏa. Trường hợp có vi phạm thì cũng phải xử lý nghiêm để đảm bảo duy trì trật tự trị an, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh tại các nơi phong tỏa như thế này.
“Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360, BLHS năm 2015”, luật sư Thái phân tích.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại