Thứ năm 28/03/2024 20:02
Chuyện trong khu cách ly

Bài 3: Nơi cảm nhận gần nhất “hơi thở” của “giặc” Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong khu cách ly, điểm phòng chống dịch với những biện pháp an toàn nhất. Nhưng trong khu cách ly cũng là nơi mà người ta cảm nhận thấy gần nhất “hơi thở” của “giặc” Covid-19.
Hàng ngày, các F1 vẫn liên tục được đưa đến các khu cách ly tập trung.
Hàng ngày, các F1 vẫn liên tục được đưa đến các khu cách ly tập trung.

Trước khi có công điện số 23/CĐ-UBND ngày 16 – 11 của UBND TP về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới, việc cách ly tập trung được thực hiện với thời gian 21 ngày. Trong 21 ngày đó, những người vào cách ly sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 3, 7, 14 và 20 tính từ ngày đầu tiên khi có quyết định tách khỏi cộng đồng. Việc xét nghiệm để tiết kiệm thời gian và chi phí, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu gộp với từ 3 – 5 người.

Đi cách ly vào đúng thời điểm Hà Nội xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới, số lượng F0 trong cộng đồng tương đối cao, thời gian trả kết quả của các xét nghiệm PCR đều rất chậm trễ. Chị N.N.D (Long Biên), tại khu cách ly Cao đẳng Đường sắt (Thượng Thanh, Long Biên) cho biết, có những lúc có tới 3 ngày mới có kết quả xét nghiệm của công dân.

“Ban đầu khi mới vào, tôi và hầu hết những người trong khu đều khá lo lắng và luôn chờ đợi kết quả xét nghiệm PCR. Chỉ đến khi được thông báo âm tính chúng tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Cũng bởi thời gian chờ kết quả tương đối lâu, nên nhiều người do sốt ruột đã sử dụng những que test nhanh mà họ mua sẵn. Sau rồi khi đã “kinh qua” một vài vụ việc, chúng tôi tự biết, đó là nếu trong vòng 24 giờ nhân viên y tế không thấy lấy mẫu lại, cũng không thấy số điện thoại lạ gọi, không thấy… xe cứu thương đến thì có nghĩa bản thân mình vẫn an toàn.” – chị D kể.

Chị D giải thích, bởi lẽ có sự lo lắng và chờ đợi vào kết quả xét nghiệm vì tất cả những người như chị hiện đang thuộc đối tượng nguy cơ cao. Khó có thể nói mình có an toàn hay không khi mà Covid-19 không loại trừ bất cứ ai. Mặc dù khai báo y tế hàng ngày, thế nhưng không ít người chỉ cần thấy mình có bất cứ biểu hiện gì khác thường đều nghĩ đến mình là nạn nhân tiếp theo của… Covid.

Trong khu cách ly, điều mà mọi người e ngại nhất đó là những người bên cạnh mình “chuyển dấu”. Mặc dù sự quản lý của các chiến sĩ bộ đội, dân quân trong các khu tập trung đều rất nghiêm ngặt, nhưng khó tránh khỏi những người thiếu ý thức, vậy nên tâm lý sợ bị lây nhiễm chéo xuất hiện ở rất nhiều người. Trường hợp như “hàng xóm” khu nhà chị D là một ví dụ. Theo chị D, bên cạnh phòng chị là 2 F1 đã vào đây sớm hơn chị vài tiếng đồng hồ. Điều đó có nghĩa, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ cùng 1 thời gian, và để thuận tiện theo dõi thì chị và các “hàng xóm” sẽ chung một mẫu gộp.

“Biết bên đó có người cao tuổi ngay từ lúc đầu bởi những cuộc điện thoại, những nhờ vả trực tiếp với các cán bộ quản lý. Tiếp theo, “nhận diện” sự vô tư của cụ ban đầu là tiếng điều cầy sòng sọc cùng tiếng ho và khạc nhổ không kiêng dè. Sau đó, một ngày vài ba lần sẽ thấy cụ lượn một đoạn hành lang rồi đi xuống sân chơi để “vận động gân cốt”. Mặc dù đã có quy định cấm các công dân đang thực hiện cách ly được đi ra khỏi phòng, loa nhắc nhở cũng vang lên hàng ngày thế nhưng việc đó cũng không hề ngăn cản chuyện cụ cố tình thư giãn.”

Buổi tối hôm ấy khi đã lên giường ngủ, chị D bỗng nghe tiếng nhân viên y tế gõ cửa bên ngoài và thông báo nhóm 5 người trong đó có chị có kết quả dương tính. Chị nhận được yêu cầu để nhân viên lấy lại mẫu đơn để lọc F. “Cảm giác lúc ấy không khác mấy so với thời điểm nhận được tin mình là F1. Hoảng sợ, trong đầu bắt đầu nghĩ ra đủ các kịch bản. Nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu đơn sẽ lấy mỗi người 2 mẫu, 1 mẫu để test nhanh tại chỗ, 1 mẫu để gửi làm xét nghiệm PCR”. Ngay sau đó, trong 5 người nhóm chị đã xuất hiện 1 người dương tính thông qua mẫu test nhanh. “Người đó lại đúng là cụ ông thường hay “vượt rào” với các quy định, cụ được tách ra và chuyển sang khu vực riêng biệt, người thanh niên ở cùng cụ cũng được di chuyển đến một phòng khác. Lúc này chắc không chỉ mình tôi, kể cả những người phòng bên cạnh cũng sẽ cảm thấy rất áp lực” – chị D cho biết.

Cảm giác lúc 12 giờ đêm trong khu cách ly, tiếng còi hú của xe cứu thương, âm thanh xì xì của việc phun khử khuẩn quả thực ám ảnh. Chưa bao giờ cái cảm giác với Covid-19 nó lại gần đến thế.

Tâm lý đó cũng là tâm lý chung của những người đang thực hiện cách ly tập trung, chị N.T.T (Ninh Hiệp) tại khu cách ly Học viện Nông nghiệp (Gia Lâm) tâm sự, hàng ngày, điều mà chị không muốn nhất đó là nghe thấy ngoài kia nhân viên y tế đến đưa F0 đi điều trị. Mặc dù biết hầu hết người Hà Nội đã tiêm đủ 2 mũi nên việc nhiễm virus corona biểu hiện nhẹ và phần lớn bệnh nhân đều không có triệu chứng, nhưng tâm lý e dè, sự sợ hãi với những tang thương trong TP HCM một, hai tháng trước vẫn khiến mọi người khó có thể bình tĩnh. Cũng theo chị T., cho đến gần 2 năm người Việt Nam quen với Covid, thế nhưng không ít người vẫn giữ thái độ kì thị đối với những bệnh nhân Covid, đấy cũng là lý do khiến mọi người đều e dè khi nói đến chuyện… dương tính.

Dẫu biết rằng việc tách khỏi cộng đồng để khống chế dịch lây lan là điều cần thiết, nhưng câu chuyện ở những nơi như các khu cách ly tập trung là những trải nghiệm khó có thể quên với bất kỳ người dân nào trong đại dịch Covid. Nếu ngoài kia, người dân cùng chính quyền đang rốt ráo truy vết và bóc tách các F0, thì trong khu cách ly, có những lúc, chưa bao giờ người ta thấy mình gần với Covid đến như thế!

Bài 2: Dạy và học trong khu cách ly Bài 2: Dạy và học trong khu cách ly

Vào khu cách ly tập trung, mỗi người chọn cho mình 1 cách đối diện, 1 cách cảm thụ và không ít người đề ra ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động