Thứ sáu 26/04/2024 05:50
Chuyện trong khu cách ly

Bài 2: Dạy và học trong khu cách ly

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vào khu cách ly tập trung, mỗi người chọn cho mình 1 cách đối diện, 1 cách cảm thụ và không ít người đề ra cho mình những mục tiêu hoặc tiếp tục thực hiện công việc của mình để đi qua những ngày rảnh rỗi.
Em D.Q.V thực hiện việc học online trong khu cách ly
Em D.Q.V thực hiện việc học online trong khu cách ly

Cùng thực hiện việc cách ly với mẹ, em D.Q.V (7 tuổi, Vĩnh Tuy) mang theo cả bàn học, sách vở để tiếp tục việc học. Với em, việc đi cách ly có mẹ cũng không khác lắm khi ở nhà, chỉ có điều thay bằng việc hết thời gian học em được chơi với các bạn, còn ở đây, khi hết bài học em cùng mẹ trò chuyện hoặc tự chơi các trò chơi tại chỗ.

“Do trong khu cách ly không có wifi nên ngay khi đi tôi đã đổi một gói cước 3G cao hơn để đảm bảo con có thể học trong khu cách ly một cách thông suốt. Cô giáo chủ nhiệm của con cũng biết việc con là F1 nên cũng luôn động viên con để con yên tâm học. Cô cũng hỏi han con rất nhiều để nắm bắt những khó khăn nếu có phát sinh trong thời gian con thực hiện việc cách ly” – chị N.N.B, mẹ cháu V kể.

Thời điểm bé V đi cách ly cũng là thời điểm các trường vào đợt thi. Mạng không ổn định, cùng với sự giản tiện khi mang đồ vào nên bé V. học cũng vất vả hơn rất nhiều. Những bài chỉ gửi ảnh còn đỡ, chứ những bài học phải gửi video thì quả thực là một thách thức với hai mẹ con. May mà cô giáo và nhà trường biết nên cũng tạo điều kiện cho con nộp muộn hơn so với các bạn. Tuy nhiên theo chị B, cũng bởi thiếu thốn nhiều thứ nên ngoài giờ học, bé V lại có thời gian để mày mò chơi với những khối đất nặn và tự rèn được thói quen đọc sách.

Cùng cả gia đình cách ly tại điểm Học viện Nông nghiệp (Gia Lâm), cô N.T.T (Ninh Hiệp) cũng không hề nghỉ hoặc nằm chờ hết thời gian. Vốn là giáo viên tiểu học nên việc dạy của chị cũng không hề gián đoạn. Mặc dù không có đủ trang thiết bị như máy chiếu, màn hình… như ở nhà, nhưng những buổi lên lớp của cô cũng không quá thiếu thốn. “Ngay trong ngày đầu tiên cách ly, tôi đã chỉnh lại một vài điểm trong giáo án để phù hợp với hoàn cảnh mình đang ở. Học sinh của tôi dạy là lớp học sinh cuối cấp (lớp 5) nên các em cũng đã tương đối có những nhận thức rất rõ ràng về dịch dã và cách ly. Các con bởi biết cô đang trong hoàn cảnh nào nên cũng nghiêm túc, học tập trung hơn. Có điều chắc các con không biết, các bài kiểm tra bằng video các con gửi cho cô cô không thể tải nổi do đường truyền quá yếu. Có chăng chỉ đủ để nhận biết học sinh nào đã gửi bài mà thôi”– cô T cho biết.

Bởi tránh các con phân tâm bởi ngoại cảnh nên trong thời gian lên lớp, cô T thường tắt camera, điều mà ngày thường cô không bao giờ làm. Thế nên sau 1, 2 buổi học, học sinh của cô lại rất lo lắng. “Có con sau buổi học cứ nài nỉ cô nán lại với các con đôi chút rồi hỏi han sức khỏe của cô. Thậm chí có con còn yêu cầu cô bật camera cho các con nhìn để biết rằng cô hoàn toàn bình yên, khỏe mạnh”.

Do khi đi chỉ kịp chuẩn bị và mang những đồ thực sự cần thiết nên khi giảng dạy trong khu cách ly cũng có nhiều những kỷ niệm khiến cô nhớ. Ví như tờ giấy điểm danh học sinh cô chỉ mang có 1 tờ, trong 17 ngày đó, trang điểm danh đã được đánh dấu chi chít bằng đủ các ký tự không ngày nào giống ngày nào. Hoặc như trong quá trình giảng dậy có những điều cần ghi nhớ, do không mang giấy, cô đã tận dụng tờ giấy ghi nội quy phòng cách ly để chép. “Đến khi kết thúc cách ly, tờ giấy ấy đã không còn bất cứ một chỗ trống nào”.

Nhảy dây, tập thể dục, đọc sách… là những thú tiêu khiển của N.T.N (Ninh Hiệp) lựa chọn. Em cho biết, khi ở nhà em đi bán hàng phụ mẹ. Công việc bắt đầu từ sáng và chỉ kết thúc khi chợ đã về chiều. Thời gian để nghỉ ngơi, đi chơi với bạn bè, tập luyện cũng hạn chế. Nên khi vào đây, mặc dù chỉ 16, 17 ngày, nhưng em cũng hy vọng đủ để em củng cố lại những bài tập thể dục mà thời gian trước em không có điều kiện tập.

“Em phân ra các mốc thời gian trong ngày, buổi sáng đọc sách, trưa ăn cơm rồi nghỉ ngơi 1 chút, sau đó dậy tập thể dục. Có thể là nhảy dây hoặc tập vài động tác nhảy hiện đại trong thời gian sinh viên em được học. Cũng may thời tiết Hà Nội không lạnh lắm, căn phòng em ở lại có ban công khá rộng nên có thể tận dụng không gian đó để làm những điều mình muốn mà không ảnh hưởng đến ai” – N nói. Em cũng cho biết, có lẽ do hăng say quá nên có buổi em đã “bị” tầng trên quay clip lúc em đang tập thể dục rồi đưa lên tiktok. “Em cũng không biết việc ấy, cho đến khi các bạn em xem được và gửi lại cho em em mới biết. Cũng bất ngờ là clip đó được mọi người xem khá nhiều và cũng có nhiều bình luận tích cực”.

Cũng như N, chọn đi qua những ngày cách ly một cách rất bổ ích, N.Đ.T.A (Ninh Hiệp) dùng thời gian rảnh và yên tĩnh của mình để cover lại những đoạn nhạc yêu thích. Có những khi cảm xúc lên, em còn trực tiếp mix nhạc, tự hát và tự thu âm. “Nếu biết tận dụng thời gian rảnh thì việc đi cách ly cũng không đến nỗi quá tệ”. T.A cho biết.

(Còn nữa)

Bài 1: Phát hiện cả rượu định tuồn vào khu cách ly Bài 1: Phát hiện cả rượu định tuồn vào khu cách ly
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động