Hành vi uống rượu, bia cố tình lái xe: Không thể nhẹ tay mãi được!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênUống rượu, bia, người điều khiển không lái xe để tránh tai nạn đáng tiếc. Ảnh minh họa |
Có thể thấy, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông cũng đã rất rõ, mức phạt đủ sức răn đe.
Ai vi phạm hành vi ở mức độ nào, sẽ bị phạt bao nhiêu tiền, có kèm theo hình phạt bổ sung hay không. Nếu vi phạm rồi gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự theo các chế tài khác nhau.
Thế nhưng, có vẻ như tai nạn giao thông do rượu, bia vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Có người đã “bức xúc” cho rằng, có lẽ “dân nhậu” chẳng khác nào “điếc không sợ súng”, nghĩ rằng chuyện tai nạn kia là thuộc về những người “xui rủi”, “sống chết có số”!
Chính những suy nghĩ này cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra hàng ngày và khó lòng ngăn chặn.
TS Vũ Anh Tuấn, trường ĐH Việt Đức cũng cho rằng, để xử lý hình sự những trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, cần nghiên cứu, sửa đổi pháp luật hiện hành theo hướng hình sự hóa hành vi vi phạm: "Theo kinh nghiệm quốc tế thì chúng ta cũng phải nghĩ đến lộ trình hình sự hóa hành vi này.
Có thể không phải trong 5 năm tới, nhưng trong vài năm tới chúng ta phải chuẩn bị sẵn những nghiên cứu, những điều kiện cơ sở vật chất, thông tin truyền thông để tiến tới hình sự hóa hành vi này", TS Vũ Anh Tuấn đề xuất.
Các chuyên gia cho rằng, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có một lộ trình phù hợp, trên cơ sở chuẩn bị những nghiên cứu, những điều kiện cơ sở vật chất để quy định xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng.
Dẫn kinh nghiệm ở Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… một số chuyên gia cho rằng, họ cũng gia tăng mức độ hình phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Đặc biệt, các quốc gia này đều hình sự hóa hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng. Thậm chí Nhật Bản còn quy định phạt tù tới 5 năm với người vi phạm nồng độ cồn vượt mức 0,25mg/1 lít khí thở.
Với hình phạt nghiêm khắc như vậy, Nhật Bản là một trong những nước có số vụ TNGT gây thương vong thấp nhất trên thế giới.
Theo thống kê của cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, năm 2019, số vụ tai nạn gây thương vong ở nước này chỉ là 3.215 vụ, giảm 317 vụ so với năm 2018. Tổng số người chết vì tai nạn giao thông tại Nhật Bản trong năm 2019 là 1.782 người.
Ở Việt Nam, chúng ta đã có Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 rồi đến các Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 117/ 2020/NĐ-CP cùng các Luật, Nghị định liên quan quy định việc xử phạt nếu cá nhân, tổ chức vi phạm.
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông cũng đã rất rõ, mức phạt đủ sức răn đe.
Và hầu hết chúng ta đều cảm thấy “bức xúc” và lên án những tài xế đã uống rượu, bia rồi mà vẫn lái xe.
Thế nhưng, cũng không ít người trong số chúng ta đang “bức xúc” ấy, ở thời điểm nào đó lại dễ dàng “thỏa hiệp” với “ma men”và chấp nhận để nó đưa lối, dẫn đường, mặc dù đã tận mắt thấy những cái chết thương tâm.
Thiết nghĩ, vẫn là câu chuyện “biết rồi, nói mãi”, nhưng dù có nói thêm nữa cũng sẽ không thừa.
Để “giải tỏa” được những vấn nạn về rượu, bia thì trước mắt là cần nâng cao ý thức của mỗi người.
Bản thân mỗi người phải biết tôn trọng bản thân mình, trân trọng gia đình mình, giữ gìn cho những người bạn của mình và quan trọng là phải “biết sợ” thì mới mong điều chỉnh được việc sử dụng bia, rượu một cách có chừng mực.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại