Hà Nội: thúc đẩy kết nối giao thương, đưa sản phẩm đặc sản vùng miền đến với người dân Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân mua sắm tai siêu thị Co.opmart khu đô thị Victoria (quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Phú An |
Triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Hà Nội có hơn 10,7 triệu người sinh sống, học tập, làm việc, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn rất lớn, trong khi doanh nghiệp Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 30-65% nhu cầu của người dân.
Nhằm đẩy mạnh khai thác các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, những năm qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Điều này thể hiện rõ ở việc Hà Nội đã triển khai công tác liên kết cung – cầu tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, TP giúp các doanh nghiệp của Hà Nội thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.
"Việc Hà Nội tích cực phối hợp với các tỉnh, TP triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại nhiều sự kiện, hội chợ…; đưa sản phẩm, nông sản, đặc sản vùng miền đến với người dân Thủ đô, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa" - bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, thời gian qua, Hà Nội cùng với 30 tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động kết nối cung- cầu hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng.
Bên cạnh đó, tổ chức trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức qua đó giới thiệu 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành đến hệ thống phân phối Hà Nội. Thông qua những hoạt động này, riêng năm 2023 TP Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm hàng Việt…
Đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung cầu
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc liên kết vùng chưa thực sự chặt chẽ bởi nhiều địa phương còn tư tưởng cục bộ. Ngoài ra một số tỉnh, thành chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, vẫn còn tình trạng các địa phương mạnh ai nấy làm…
Dưới góc độ cơ quan quản lý, để có thể đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung cầu, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, cần phải tập trung thu hút phát triển mạng lưới logicstic, các chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại gắn với các cảng biển, cảng hàng không của Hà Nội và các tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa, hội chợ quy mô lớn.
Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung về sản phẩm chủ lực của các tỉnh. Khi có cơ sở dữ liệu chung sẽ tạo thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng, hướng đến giá cả cạnh tranh…
Năm 2024, TP Hà Nội cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịchTP Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước theo Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP; hỗ trợ các tỉnh, TP tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa, tiếp cận, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP.
Ngoài ra, giới thiệu các doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối giao thương, hội chợ của Hà Nội với các tỉnh, TP. Phối hợp tổng hợp, cập nhật yêu cầu về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại để thông tin tới các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn để dễ dàng đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại…
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội Bùi Duy Quang cho biết, qua các kỳ tổ chức, Hội chợ Đặc sản vùng miền không ngừng đổi mới, nâng cao về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước và được người tiêu dùng tích cực đón nhận. Hội chợ Đặc sản vùng miền chính là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam. Đồng thời là dịp để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, du lịch đặc trưng của mỗi vùng đất tới du khách trong nước và quốc tế. Với sự đa dạng về nhóm hàng, chương trình được đánh giá là cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm cuối năm; cũng như cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương hiệu quả với doanh nghiệp phân phối lớn trong nước và nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội và xuất khẩu. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại