Thứ năm 25/04/2024 17:33

Hà Nội: Nhà trường, doanh nghiệp phối hợp trong đào tạo nhân sự ngành TMĐT

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với sự phát triển không ngừng của ngành thương mại điện tử trong thời gian gần đây, nhu cầu nhân sự chất lượng cao cho ngành thương mại điện tử cũng không ngừng tăng cao, tuy nhiên nhân sự cho ngành này hiện đang còn yếu và thiếu.
Hà Nội: Nhà trường, doanh nghiệp phối hợp trong đào tạo nhân sự ngành TMĐT
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng các trường đại học thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử nhằm nâng cao chất lượng đào tạo TMĐT và cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.

Theo Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử (TMĐT) tại các trường đại học 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong năm 2021 đã có nhiều trường đại học bắt đầu đào tạo chính quy ngành thương mại điện tử và nhiều trường đại học trên cả nước dự kiến mở ngành đào tạo này trong giai doạn từ nay đến năm 2025.

Chỉ 30% nhân lực tại các công ty TMĐT được đào tạo chính quy

Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, quy mô tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây đều ở mức cao, lên tới 25 - 30% trước dịch COVID-19. Trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại do quy mô thị trường đã lớn, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% năm 2020 và 16% năm 2021.

Khảo sát về thương mại điện tử hàng năm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang ngày một tăng cao, tới 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, chính điều này đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, từ đó khiến nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử tăng mạnh. Theo đó, 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

Hà Nội: Nhà trường, doanh nghiệp phối hợp trong đào tạo nhân sự ngành TMĐT
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy. Như vậy có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng đồng nghĩa dư địa cho các cơ sở đào tạo nhân lực thương mại điện tử là rất lớn.

Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Công Thương, phát triển nguồn nhân lực là một trong 5 nhóm chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển của thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đặt ra 2 mục tiêu gồm 50% cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp trển khai đào tạo thương mại điện tử; có 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên… được đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp, bà Lại Việt Anh cho rằng cần áp dụng mô hình kết nối 3 bên gồm cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức để cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo, với tính ứng dụng cao, phù hợp với các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp

Theo Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Nhu cầu tuyển sinh ngành thương mại điện tử và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số tăng nhanh.

Tại Hà Nội, nhiều trường đại học đã triển khai đào tạo nhân lực cho ngành thương mại điện tử, như: Trường Đại học Thương mại, trường Đại học Thuỷ Lợi, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông, Viện đại học Mở Hà Nội…

Theo các nhà tuyển dụng, nhu cầu nhân lực thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng nhanh, cung không đủ cầu dẫn tới doanh nghiệp buộc phải tuyển cả những ngành khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế này. Tuy nhiên, khi tuyển dụng sinh viên ngành thương mại điện tử vào làm việc, doanh nghiệp cũng phải thực hiện đào tạo lại toàn bộ.

Lý giải vì sao chất lượng nhân lực thương mại điện tử còn chưa cao, TS. Trần Thị Thập, Phó khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội cho rằng, nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử của các doanh nghiệp đa dạng, khác nhau, cho nên các trường phải xác định sẽ đáp ứng nhu cầu mảng nào trong nhu cầu nhân lực đó. Học viện đã mời không ít chuyên gia, nhân sự chủ chốt tại các doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo. Ngoài ra, học viện cũng triển khai đào tạo theo chuyên đề đề thực tế của doanh nghiệp, làm việc với các doanh nghiệp để có những môn chuyên đề mới.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Tạ Trần Phương Nhung, Giảng viên ngành Thương mại điện tử của Đại học Đông Đô cho biết, ngành thương mại điện tử là ngành rất rộng, có sự ứng dụng khác nhau giữa các công ty khác nhau. Mỗi công ty sẽ cần nguồn nhân lực được đào tạo theo hướng khác nhau.

Tình trạng này dễ dẫn tới sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp. Khiến cả người được tuyển dụng và doanh nghiệp tốn thêm thời gian, công sức, tiền bạc để đào tạo lại. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và trường đại học để có hướng tiếp cận gần thực tế công việc cho sinh viên.

TS. Nguyễn Đức Tài, Trưởng khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số, Đại học Đại Nam cho biết, khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số của trường được mở đến nay là năm thứ 2, do ra đời sau nên trường xác định đào tạo theo mô hình thực tế để sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, nhà trường cũng đã mời nhiều chuyên gia của các doanh nghiệp tham gia đào tạo và nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên.

Hà Nội: Nhà trường, doanh nghiệp phối hợp trong đào tạo nhân sự ngành TMĐT
TS. Nguyễn Đức Tài, Trưởng khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số, Đại học Đại Nam

Tuy có nhiều bước tiến lớn, hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học còn gặp nhiều thách thức để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của lĩnh vực này. Trong đó, có thể kể đến những thách thức về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, định hướng nghề nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn…

Để hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong thương mại điện tử hiệu quả, chất lượng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất, gồm: khảo sát định kỳ tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử; bồi dưỡng giảng viên thương mại điện tử.

Bên cạnh dó, cần tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo thương mại điện tử; đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần thương mại điện tử; tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên thương mại điện tử; tổ chức cuộc thi toàn quốc về thương mại điện tử; nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu thương mại điện tử; đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành thương mại điện tử...

Đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học ở Hà Nội
Cách nhận biết sàn thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động