Thứ sáu 26/04/2024 02:25

Hà Nội: Gần 23 nghìn lao động được giải quyết việc làm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Song song với công tác hỗ trợ, giải quyết việc làm, TP Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp thiết thực về bảo đảm an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của TP.
Hơn 22,7 nghìn lao động được giải quyết việc làm trong tháng 5. Theo kế hoạch, trong quý II/2022, Hà Nội sẽ tổ chức 66 phiên giao dịch việc làm, trong đó có ít nhất một phiên chuyên đề, một phiên giao dịch việc làm trực tuyến...
TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 22,7 nghìn lao động trong tháng 5. Theo kế hoạch, trong quý II/2022, Hà Nội sẽ tổ chức 66 phiên giao dịch việc làm, trong đó có ít nhất một phiên chuyên đề, một phiên giao dịch việc làm trực tuyến...

Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng 5/2022, TP tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động. Theo đó, đã có hơn 22,7 nghìn lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn TP.

Trong đó, TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 262 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 5,6 nghìn lao động; đưa 216 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Đồng thời, cũng đã giải quyết việc làm cho 1.646 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; 15,3 nghìn lao động tự tìm được việc qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn TP.

Cũng trong tháng 5/2022, TP đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 5,2 nghìn người với số tiền hỗ trợ 148,8 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 5,5 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 236 người với số tiền 1,1 tỷ đồng.

“Tính chung 5 tháng đầu năm nay, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 96,9 nghìn lao động, đạt 60,6% kế hoạch năm, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 99 phiên giao dịch việc làm với 2.749 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng là 43,1 nghìn lao động, số người được phỏng vấn là 18,1 nghìn người, có 6,6 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch. Thành phố tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trên 21,2 nghìn người với kinh phí hỗ trợ là 575,4 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 529 người với số tiền 2,3 tỷ đồng”, báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội nêu rõ.

Cũng theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, song song với công tác hỗ trợ, giải quyết việc làm, TP Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp thiết thực về bảo đảm an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của TP.

Theo đó, đến nay, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ bằng tiền mặt và cho vay gần 5,7 triệu lượt đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng kinh phí 7.244 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đảm bảo chi theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố Hà Nội là 2.709 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 4.095 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 440 tỷ đồng.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, TP đã tiếp nhận và giải quyết trên 8,4 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng, số tiền 32,2 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 200,4 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 2,9 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của TP.

Để tiếp tục hỗ trợ người lao động, UBND TP giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trưởng cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Nâng cao năng lực cơ sở tuyến đầu của hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, chăm lo cho các đối tượng bị sang chấn tâm lý, cơ nhỡ và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đối với công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, UBND TP Hà Nội cũng đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hà Nội chủ trì, phổi hợp với các Sở: Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; Ban Dân tộc TP Hà Nội; UBND các quận, huyện thị xã, thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 và các văn bản có liên quan.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo".

Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động