Hà Nội: Đồng hành với các chủ thể trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐược triển khai từ năm 2019, đến nay, Chương trình OCOP của TP Hà Nội ngày càng phát huy hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo. |
Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Kết thúc năm 2022, TP Hà Nội đã thực hiện vượt chỉ tiêu OCOP đã đề ra.
Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2022, TP Hà Nội phấn đấu có 400 sản phẩm đạt OCOP. Tuy nhiên, đến hết năm 2022, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm thuộc 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng theo quy định.
Trong số 491 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng lần 1, ngành thực phẩm tươi sống có 76 sản phẩm, chiếm 14,7%; thực phẩm chế biến có 225 sản phẩm, chiếm 43,4%; ngành đồ uống có 12 sản phẩm, chiếm 2,3%; ngành thảo dược có 22 sản phẩm, chiếm 4,2%; ngành thủ công mỹ nghệ có 168 sản phẩm, chiếm 32,4%; ngành vải may mặc có 13 sản phẩm, chiếm 2,5%; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch có 2 sản phẩm, chiếm 0,4%.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, để hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tiêu thụ sản phẩm, TP Hà Nội đã quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại...
Theo đó, TP Hà Nội đã tổ chức được 5 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của thành phố; tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với quảng bá văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh Nam Bộ...
Theo ông Nguyễn Văn Chí, TP Hà Nội cũng lựa chọn các sản phẩm OCOP tham gia chương trình Hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022”; Chương trình Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La. “TP Hà Nội đã tăng cường liên kết “5 nhà”: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà truyền thông trong phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đặc sản, sản phẩm truyền thống của Thủ đô, đặc biệt là sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn...”, ông Nguyễn Văn Chí cho biết.
Nhằm hỗ trợ các chủ thể trong phát triển các sản phẩm OCOP trong năm 2023, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Việc ra đời trung tâm trên nhằm kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất - kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn TP.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại