Tăng tốc tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo TS Cấn Văn Lực, việc huy động nguồn lực tài chính để phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng là rất quan trọng, cấp thiết |
Vai trò của các bên tham gia hợp tác còn nhiều hạn chế
Khu vực kinh tế tập thể HTX hiện đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 Cty, 150 HTX. Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế. Trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa DN với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với DN, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế). Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa DN và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
Tại diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng - tăng tốc phát triển kinh tế” do Tạp chí Kinh doanh tổ chức mới đây, các nhà quản lý, chuyên gia cùng nhau chia sẻ những đánh giá, nhận định về thực tiễn liên kết vùng trong phát triển kinh tế. Đồng thời, cùng nhau thảo luận mở với chủ đề “Liên kết để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho DN, HTX” nhằm thông tin, hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho DN, HTX về tác động của mối liên kết vùng.
Theo phân tích của TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, và cần sự “vươn mình vượt khó” từ tất cả các khu vực kinh tế. Yêu cầu và thách thức từ những xu hướng này đối với khu vực kinh tế tập thể lại càng lớn và đặc thù hơn. Trong bối cảnh ấy, việc ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo đó, một số nội dung mà các HTX và Liên minh HTX Việt Nam có thể cân nhắc, thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới là: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản trị, tổ chức sản xuất, thương mại, gắn với quá trình gia tăng hợp tác, liên kết với các chủ thể khác trong các cụm liên kết ngành. Quá trình thực hiện cần đi vào thực chất, hướng tới hiệu quả và lợi ích cho tất cả các bên.
Ở góc độ của một chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực tài chính để phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng. Đơn cử như trong vấn đề hạ tầng giao thông, theo TS. Cấn Văn Lực, trong giai đoạn 2021-2025 Việt Nam cần khoảng 2 triệu tỷ đồng đầu tư vào hệ thống giao thông. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giao thông đường bộ vào khoảng 900.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025 Việt Nam mới có khoảng 304.000 tỷ đồng rót vào lĩnh vực này, tương đương số vốn được phân bổ mới đáp ứng được gần 60% nhu cầu. Cho nên, theo TS. Cấn Văn Lực, bài toán huy động nguồn vốn khác là rất cấp thiết.
Hiện nay, thực trạng nguồn vốn tín dụng (đến từ ngân hàng thương mại) cho hạ tầng giao thông chủ yếu nằm ở các dự án BT, BOT. Điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng tín dụng các dự án BT, BOT đang giảm dần. Đáng kể tính đến tháng 6/2022, dư nợ các dự án BT, BOT giảm 1,72% so với cuối năm 2021.
Xúc tiến thương mại nông sản gắn với du lịch
Tại Hà Nội, nhằm trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn TP và các tỉnh, thành trên cả nước, từ đầu năm 2022, Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, gắn với văn hóa vùng miền.
TP cũng tạo điều kiện để các chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ do Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh tổ chức như: Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2022; Chương trình Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La... Tại các hội chợ này, khu gian hàng của Hà Nội đã thu hút từ 10 đến 20 nghìn lượt khách tham quan, trao đổi giao thương và mua sắm.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Mỗi sự kiện đều thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, mua sắm; Qua đó, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội và cả nước. Không chỉ tổ chức các hoạt động giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, với lợi thế là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, không chỉ với người dân TP, mỗi năm Hà Nội còn đón hàng chục triệu khách du lịch, đó là thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,38 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi để giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước đến với du khách trong nước và quốc tế.
Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong việc hỗ trợ các tỉnh, TP giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. |
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua nền tảng số | |
Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại