Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua nền tảng số
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, thời gian qua các mô hình HTX và trang trại trên địa bàn TP Hà Nội đã phát huy được thế mạnh. Ảnh: Văn Biên |
Hà Nội có 1.329 HTX nông nghiệp
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 1.701 trang trại, trong đó: 33 trang trại trồng trọt; 1.359 trang trại chăn nuôi; 180 trang trại nuôi trồng thủy sản; 1 trang trại lâm nghiệp; 125 trang trại tổng hợp và 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp.
Việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn TP Hà Nội đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích việc làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới.
Thông qua phát triển kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa trong nông nghiệp và nông thôn. Cùng với phát triển kinh tế trang trại, mô hình kinh tế HTX cũng mang lại hiệu quả, giúp bà con nông dân, người sản xuất nâng cao đời sống và thu nhập.
Tính đến hết năm 2021, Hà Nội có 1.329 HTX nông nghiệp, trong đó có 1.104 HTX đang hoạt động (chiếm 83,1%), đồng thời cũng thành lập mới 70 HTX nông nghiệp.
Các HTX nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều HTX đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và Nhân dân; làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất.
Đồng thời, các HTX nông nghiệp đã chú trọng cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ cho thành viên sản xuất như đầu tư trang thiết bị máy móc công cụ làm dịch vụ sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho HTX. Đặc biệt, một số HTX đã quan tâm đến liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Các mô hình Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và Hợp tác xã chuyên ngành hoạt động hiệu quả, cho thấy năng lực trình độ của người đứng đầu HTX nông nghiệp là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó năng lực về vốn, có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đầu tư; xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh thích ứng, đáp ứng với cơ chế thị trường; đa dạng dịch vụ hoạt động ngoài dịch vụ truyền thống (dịch vụ đầu vào, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ khác) đã đem lại hiệu quả cho các thành viên và hội đồng quản trị HTX.
Đề xuất các phương án, giải pháp phù hợp
GĐ Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, ngành sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động như: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế;…
Theo đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp. phát triển HTX nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; HTX dịch vụ tổng hợp, HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn; nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp phù hợp đối với các HTX ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động bảo đảm hiệu quả, đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Đồng thời phát triển các dạng hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của TP. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn.
Thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại, làng nghề có thế mạnh phát triển kết hợp với du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của làng nghề, ngành nghề nông thôn, ưu tiên các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại