Thứ sáu 29/03/2024 16:36

Chương trình OCOP mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian qua, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã được cấp ủy, chính quyền các cấp TP Hà Nội thực hiện có hiệu quả, góp phần khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Chương trình cũng mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế.

Hà Nội có số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, TP có khoảng 7.200 sản phẩm trong các nhóm ngành hàng Chương trình OCOP. Qua thực tế, phân hạng sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương đều cho kết quả đáng mừng. Trong đó, một số sản phẩm có tiềm năng đạt năm sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia như: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ của Cty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh.

Các sản phẩm hạng ba, bốn sao chủ yếu là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp của các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Thanh Oai, Thường Tín. Đáng chú ý, tại huyện Chương Mỹ, khi thực hiện phân hạng đã có hàng chục sản phẩm được công nhận đạt hạng ba, bốn sao, gồm: Bánh ca-ra-men, chân gà ngâm xả ớt, bốn sản phẩm trứng của Cty CP Tiên Viên; sản phẩm hành lá, rau muống, rau cải, rau mùng tơi, quả cà chua, rau mùi ta của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn; gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; các sản phẩm mây tre đan của Cty TNHH Mây tre đan Việt Quang và của Cty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn (đều ở xã Phú Nghĩa); bưởi Diễn Nam Phương Tiến của HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến; sản phẩm mây, tre, giang đan của Cty TNHH mỹ nghệ Hoa Sơn...

Nhờ chủ động đổi mới chất lượng, mẫu mã, nâng cấp công nghệ, sản phẩm của huyện Chương Mỹ đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, kết nối thành công đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, phát triển thương hiệu địa phương.

chuong trinh ocop mo ra co hoi phat trien cho cac san pham nong nghiep chu luc
Ảnh minh hoạ

Tôn vinh sản phẩm OCOP

Ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, để triển khai chương trình OCOP, huyện đã kết nối với các ngành, các đơn vị cung ứng hỗ trợ tập trung phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cùng với việc vào cuộc tích cực của nhiều địa phương, ngành nông nghiệp của TP cũng phối hợp với các đơn vị của TP đã tổ chức trưng bày, giới thiệu trên 250 sản phẩm của hơn 70 chủ thể tham gia diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu và Hội chợ Quốc tế OCOP năm 2019 tại TP HCM; trên 200 sản phẩm của 10 DN tham gia hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức 4 hội thảo kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín, Big C Thăng Long và phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ. Giới thiệu và tôn vinh sản phẩm OCOP tại hội chợ Tết Canh Tý tại công viên Thống Nhất quận Hai Bà Trưng.

Theo ông Chu Phú Mỹ, GĐ Sở NN&PTNT, Chương trình OCOP đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng. Chương trình còn tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi thế khi tham gia Chương trình OCOP, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương sẽ rà soát, xác định cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng các sản phẩm làng nghề và nông sản. Trong đó, ưu tiên các DN, làng nghề, HTX, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài.

Các địa phương cũng cần tập trung hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài TP, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn TP.

Hà Nội tiếp tục phấn đấu đến hết năm 2020, đánh giá, xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm OCOP và sẽ nâng cấp phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản, trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn. Xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp TP đến cấp huyện, xã. Đồng thời, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm OCOP, tiếp tục triển khai thêm các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP.

(Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội)

Phương Hoa
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động