Hà Nội: Đến năm 2025 tập trung phát triển du lịch thông minh, kinh tế đêm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiều 20-4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của TP.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng để thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chương trình công tác lớn của TP; là cơ hội để các sở ngành, quận huyện tự “soi” và chính mình để có những góp ý xác đáng, tập hợp được trí tuệ tập thể.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho biết, dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của TP là cụ thể hóa 10 chương trình công tác lớn của TP, vì vậy, từng đơn vị khi góp ý phải đảm bảo cả 2 yêu cầu: đáp ứng đầy đủ tính bao quát nhưng cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên trên từng lĩnh vực, đảm bảo tính khả thi.
Theo dự thảo, đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 TP dự kiến đặt ra trong dự thảo là: tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8,0%; Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 65,0-65,5%; Công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%; đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0- 7,5%...
Để đạt được các mục tiêu trên, TP đặt ra 3 khâu đột phá là: ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch... Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn TP...
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội ghị (ảnh P.K) |
Đóng góp ý kiến vào dự thảo, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong Chương trình 02 của TP, kế hoạch 5 năm đã đưa ra mục tiêu phát triển mới, phát triển 2-3 khu công nghiệp; hoàn thành, khởi công trong giai đoạn này 43 cụm công nghiệp; phát triển mới, xây dựng mới, thành lập mới thêm 46 cụm công nghiệp nữa để đạt trên địa bàn TP đủ 159 cụm công nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt. Nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp; thành lập mới 46 cụm công nghiệp; Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025, sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Đối với lĩnh vực thương mại, sở xác định tập trung thu hút đầu tư hạ tầng thương mại. Khu vực vùng nông thôn thì thực hiện cải tạo, xây dựng hệ thống chợ khang trang, sạch đẹp, tạo nguồn thu ngân sách cho TP lâu dài. Ngoài ra, TP cũng phát triển mô hình kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, phát triển hệ thống máy bán hàng tự động.., ngành công thương sẽ tập trung chỉ đạo những lĩnh vực như vậy để phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025...
Còn đại diện Sở Du lịch cho biết, với các chỉ tiêu đặt ra ngành du lịch tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất là 35 triệu khách đến năm 2025 với tổng doanh thu trên 150 nghìn tỷ đồng. Ngành du lịch đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ tạo được đà tăng trưởng, theo đó ngành tập trung tạo ra sản phẩm độc đáo cho du lịch, sản phẩm chủ lực mới, phát triển hạ tầng kết nối du lịch; tận dụng cơ hội của 5 năm trước để phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số…
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, địa bàn Hoàn Kiếm xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch và Hoàn Kiếm đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng này. Quận đang tập trung cho quy hoạch, củng cố lại các chức năng của các khu vực; với lĩnh vực du lịch tập trung phát triển kinh tế đêm, tổ chức các không gian phố đi bộ gắn với các phố nghề để thúc đẩy phát triển du lịch; cải tạo hạ tầng, gắn với công nghệ trong quản lý đô thị, phát triển du lịch.
Đại diện quận Hai Bà Trưng kiến nghị hoàn thành các quy hoạch phân khu trong năm 2021 và sớm đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ để đảm bảo đời sống người dân; xác định rõ nguồn lực, tiến độ thời gian thực hiện…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn lưu ý Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật một số dữ liệu mới trong dự thảo kế hoạch. Đối với nội dung đổi mới công tác quy hoạch, tăng cường quản lý quy hoạch, TP có 2 quy hoạch quan trọng là: quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; thứ hai là điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định trong xây dựng phát triển Thủ đô của Luật Thủ đô. Trong thời kỳ 5 năm, 2 quy hoạch phải hoàn thành; phấn đấu cuối năm 2022, hoặc muộn nhất là đến đầu năm 2023 phải phê duyệt 2 quy hoạch này…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội-Hưng Yên-Bắc Ninh; củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025 TP tập trung phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với dịch bệnh có diễn biến khó lường. Các chỉ tiêu, mục tiêu tổng quát đã được Đại hội Đảng bộ TP chỉ rõ, các chỉ tiêu cụ thể cũng được nêu rõ trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát cụ thể, rõ trách nhiệm phần việc của từng đơn vị bởi một số chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người, thu gom xử lý 100% rác thải hàng ngày, xử lý nước thải; cấp nước sạch cho 100% đô thị nông thôn… là cao. Từ đó phải có những đề án, dự án cụ thể trong kế hoạch để thực hiện các mục tiêu đó. Đồng thời, cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, hiệu quả kinh tế xã hội hiệu quả hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại