Chủ nhật 24/11/2024 15:55

Hà Nội dành 1,2 tỷ đồng xây dựng Đề cương phát triển công nghiệp văn hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới, trong 3 lĩnh vực tiềm năng: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực. Thời gian hoàn thành đề cương là tháng 12/2023. Kinh phí thực hiện 1,2 tỷ đồng.
Hà Nội dành 1,2 tỷ đồng xây dựng Đề cương phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội dành 1,2 tỷ đồng xây dựng Đề cương phát triển công nghiệp văn hóa. (Ảnh: Hồng Phúc)

Thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ quan điểm rằng, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

Đề cương sẽ nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ ngành CNVH Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển cả về chất và lượng, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng GRDP Thủ đô. Đưa mục tiêu Hà Nội trở thành một trong những trung tâm CNVH hàng đầu của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới.

UBND TP giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội là đơn vị chủ trì xây dựng báo cáo nhiệm vụ; các Sở, ban, ngành cung cấp thông tin liên quan đến đánh giá được tiềm năng, điều kiện phát triển và thực trạng phát triển ngành CNVH. Đánh giá chung những kết quả đạt được, cơ hội, thách thức, khó khăn, hạn chế và những nhân tố ảnh hưởng.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội cung cấp thông tin về thực trạng phát triển CNVH trên địa bàn, phối hợp tổ chức các tọa đàm và hoạt động khảo sát thực tế tại địa phương...

Kết quả nghiên cứu sẽ là căn cứ khoa học, tài liệu tham khảo cho các sở, ban, ngành, và các quận, huyện, thị xã để tham mưu cho Thành ủy, UBND TP ban hành những cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển liên quan đến phát triển CNVH; những lĩnh vực ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới, định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành, lĩnh vực đó; xác định các sản phẩm, dịch vụ CNVH cần ưu tiên phát triển, góp phần phát triển thị trường phát triển CNVH.

Trong đề án Hà Nội yêu cầu đánh giá thực trạng phát triển chung của ngành CNVH (của cả 13 tiểu ngành) từ năm 2016 đến nay, trong đó, tập trung đánh giá khuôn khổ chính sách đào tạo dựng được và năng lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền;

Đánh giá sâu hơn thực trạng phát triển của 3/6 tiểu ngành CNVH có sẵn tiềm năng, lợi thế mà Hà Nội đã xác định gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực. Từ 3 tiểu ngành này, nhiệm vụ sẽ xác định, lựa chọn từ mỗi tiểu ngành, 1 đến 2 sản phẩm, dịch vụ CNVH để đề xuất thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây.

Từ đó làm căn cứ giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt được định hướng của thành phố để chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân phát huy được sáng kiến, sáng tạo; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội nghìn năm văn hiến; tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết: Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là “vốn” di sản văn hóa giàu có, mà còn có nguồn lực con người to lớn, với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước. Đây còn là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh đó, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành công nghiệp văn hóa.

Từ năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại, góp phần củng cố thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Hà Nội tự tin đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Bình đẳng giới đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước
Xây dựng ba kịch bản phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới
Kết quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được rất đáng trân trọng
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động