Chủ nhật 24/11/2024 19:10
Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước:

Kết quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được rất đáng trân trọng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 2-11, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, mở đầu đợt hai của kỳ họp. Tại phiên họp, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm để tưởng niệm đồng bào tử nạn, cán bộ hi sinh do bão lũ.

Đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ

Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Sau đó, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về các kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, hai dự án Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An cần rà soát đánh giá lại tác động môi trường để khi triển khai dự án vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo môi trường.

Đại biểu cũng đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ, trong điều kiện khó khăn chồng chất do dịch bệnh Covid-19 và bão lũ nhưng chúng ta vẫn vượt qua khó khăn để phát triển, được truyền thông quốc tế đánh giá cao.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng nhìn nhận, trước khó khăn hiện nay, các kết quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được rất đáng trân trọng. Theo đại biểu, chúng ta đưa ra các định hướng, phương án thu chi khi dịch bệnh, thiên tai chưa diễn ra, đến nay đã có nhiều thay đổi, nên các vấn đề liên quan đến kịch bản tăng trưởng, thu chi phải rà soát toàn bộ để phù hợp với tình hình mới.

Về chủ trương xây dựng hai hồ chứa nước, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, trong thực tế rừng trồng không bao giờ thay thế được khả năng giữ đất, giữ nước của rừng tự nhiên, vì vậy cần làm rõ tính khả thi trong phương án bảo vệ môi trường.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng đánh giá, thời gian qua, trong phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ đã điều hành quyết liệt, linh hoạt, đạt được nhiều dấu ấn, đột phá.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và thiên tai đang khiến cho nhiều người lao động có xu hướng bị nghèo hóa do bị giảm mạnh về tiền lương, nhất là một số ngành như hàng không, GTVT, dịch vụ du lịch… Theo thống kê của Viện Nghiên cứu công nhân và công đoàn, có đến 40% số người lao động phải cắt giảm chi tiêu cho bữa ăn, nhiều người phải vay mượn, sử dụng tiền tích lũy để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, 13% số người được khảo sát cho biết khó khăn này đã ảnh hưởng đến tình cảm gia đình…

Vì vậy, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần có giải pháp quan tâm hỗ trợ hữu hiệu cho người lao động như tạo việc làm, nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề… để người lao động tiếp cận được việc làm mới.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, dù các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đặt ra đều không đạt được nhưng ông hài lòng vì trong bối cảnh thế gới khó đạt được tăng trưởng dương thì tình hình tăng trưởng của chúng ta hiện nay là nỗ lực rất lớn. Đáng mừng là nông nghiệp tăng trưởng, xuất khẩu tăng trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm, có thể coi Hiệp định EVFTA là một thắng lợi của Việt Nam…

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trận lũ lịch sử ở miền Trung gây thiệt hại rất nặng nề, người nghèo nếu không được giúp đỡ hữu hiệu thì người nghèo rất dễ bị bần cùng hóa, vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có sự hỗ trợ hữu hiệu kịp thời để khôi phục đời sống cho đồng bào miền Trung.

Đồng ý với đề xuất xây dựng hai hồ chứa nước ở Nghệ An và Bình Thuận, nhưng đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị phải ổn định rừng và trồng thêm, đừng phá hoại rừng, phải quy hoạch có hệ thống, hợp lý.

ket qua phat trien kinh te xa hoi da dat duoc rat dang tran trong
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ. (Ảnh: P.Thảo)

Đã kiềm chế được dịch bệnh

Tại tổ đại biểu Quốc hội TP HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định, trong bối cảnh “khó khăn kép”, kết quả đạt được của Việt Nam là khá khả quan. Theo đại biểu, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là đảm bảo an sinh xã hội.

“Thế giới ca ngợi Việt Nam là ngọn hải đăng trong chống dịch, điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế, tôi cũng đồng ý như vậy. Đặc biệt, chúng ta vẫn xuất khẩu tốt (là 1 trong 4 nước có xuất khẩu dương, và tăng trưởng cao nhất)”, đại biểu nói.

Tuy nhiên, do năm 2021 vẫn quá nhiều yếu tố bất định, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ xây dựng có nhiều kịch bản tăng trưởng hơn thay vì chỉ để 1 phương án phấn đấu là 6%. Có thể tham khảo dự báo của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) với kịch bản cao là 6,8% và thấp là 4,5%.

Về các giải pháp điều hành cụ thể, đại biểu đề nghị sử dụng dự phòng ngân sách để tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung; ưu tiên kiểm soát dịch bệnh. Triển khai đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ; xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trực tuyến; thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao…

Ghi nhận những thành công trong công tác điều hành của Chính phủ, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn tình hình năm 2020.

“Điều dễ nhận thấy nhất là sự linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành. Trong khó khăn, đặc biệt là trong dịch bệnh, thiên tai, sức dân nổi bật như nguồn lực vĩ đại, không gì thay thế được, nếu biết huy động thì sẽ là chỗ dựa hết sức quan trọng”, đại biểu bình luận.

Theo đại biểu, thuận lợi rất căn bản của Việt Nam đã kiềm chế được dịch bệnh và có được sự tín nhiệm, đồng thuận, đồng lòng rất cao của nhân dân. Tuy nhiên, nguồn lực to lớn này cần được hướng dẫn, quản lý thống nhất để phát huy hiệu quả tốt nhất sức dân; không nên để phát triển tự phát. Về kế hoạch trước mắt, đại biểu Quyết Tâm nhìn nhận, cần tập trung kích hoạt lại sản xuất kinh doanh, tận dụng những cơ hội tạo ra khi Việt Nam đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động