Hà Nội đang gỡ khó cho giao thông công cộng thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của TP đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ. Ảnh: Khánh Huy |
Đối mặt với nhiều thách thức
Thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho hay, đến tháng 5/2022 mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%, 510/579 xã, phường, thị trấn đạt 88,1%; 65/75 BV, đạt 87%; 192/286 trường ĐH, CĐ, THPT, đạt 70%; 33/37 khu đô thị, đạt 89%.
Cũng theo ghi nhận, thời gian gần đây, lượng hành khách lựa chọn tàu Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện di chuyển ngày càng tăng. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một đoàn tàu cập ga, với sức chở lớn. Tuy nhiên, vào khung giờ bình thường, số lượng hành khách sử dụng tàu chưa được như kỳ vọng.
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, hiện vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng trên 15% nhu cầu đi lại của hành khách. Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hàng năm Sở GTVT Hà Nội đều thực hiện việc rà soát để mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để tăng tính hấp dẫn của vận tải hành khách công cộng thì cần ưu tiên phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây chính là giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông. TP cần kiên trì chủ trương ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng sao cho hành khách khi sử dụng phương tiện công cộng được thuận tiện, tiếp cận an toàn và đi nhanh hơn khi sử dụng xe cá nhân…
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cũng chỉ ra, hiện vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của TP đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ.
Hiện nay, hệ thống vận tải hành khách công cộng có 5 điểm trung chuyển nội bộ của mạng lưới xe buýt và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt dẫn tới chưa phát huy, tận dụng được lợi thế năng lực cung ứng của hệ thống vận tải hành khách công cộng và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân. Hệ thống vé đang áp dụng cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội là khác nhau cho mỗi loại hình. Mạng lưới tuyến xe buýt (xe buýt thường, xe buýt BRT, buýt CNG) đang áp dụng vé giấy, xe buýt điện do Cty Vinbus vận hành áp dụng hệ thống vé điện tử. Trong khi đó, với đường sắt đô thị tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội lại đang áp dụng hệ thống vé điện tử. Việc mỗi dự án sử dụng những công nghệ khác nhau đã cho thấy vận tải hành khách công cộng chưa có hệ thống vé điện tử liên thông duy nhất, điều này cũng gây khó khăn nhất định cho người tham gia giao thông công cộng.
Xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể
Kế hoạch 235 đặt ra 3 chỉ tiêu chủ yếu liên quan tới việc đảm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Cụ thể, hàng năm, TP phấn đấu giảm từ 5%-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.
Thứ hai, vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Hàng năm, TP xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Để đạt được các chỉ tiêu nói trên, Hà Nội đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 10 giải pháp cụ thể. Trước hết, Hà Nội sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Hà Nội đã thí điểm chốt chuyến lượt xe buýt bằng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) cho hơn 700 xe buýt; thí điểm vé điện tử trên các tuyến buýt 32, 51, 06, BRT. Cùng với đó, TP đã triển khai một số ứng dụng phục vụ người dân và công tác quản lý, gồm: ứng dụng "Timbuyt" để tra cứu thông tin về hoạt động xe buýt; ứng dụng "Ipaking" thu phí đỗ xe; ứng dụng "Goveone" trong quản lý bảo trì đường bộ. Ngoài ra, TP phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội. Thông qua hệ thống này, người tham gia giao thông có thể nắm bắt thông tin trước và trong khi tham gia giao thông; tham gia giao thông một cách an toàn; tăng trải nghiệm sử dụng dịch vụ đường bộ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại