Thứ ba 05/11/2024 07:19

Để xe buýt hoạt động hiệu quả hơn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, xe buýt sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu có làn đường dành riêng cho phương tiện này. Việc phân chia làn đường riêng không chỉ giúp xe buýt di chuyển nhanh chóng, ổn định mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường không khí.
Để xe buýt hoạt động hiệu quả hơn
Người dân đón xe buýt trên đường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Văn Biên

Xe buýt chưa phát huy tối đa hiệu quả

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến nay, TP Hà Nội có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến tất cả quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, đã kết nối với 8 tỉnh, TP lân cận: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định.

Toàn mạng lưới xe buýt có trên 4.700 điểm dừng, 350 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 130 điểm đầu cuối, 12,9km đường dành riêng cho xe buýt. Tổng số phương tiện xe buýt hiện nay là 2.185 xe, trong đó, xe buýt trợ giá 1.908 xe với 281 xe sử dụng năng lượng sạch, 139 xe CNG (sử dụng khí thiên nhiên nén) và 142 xe buýt điện, đạt 14,7% và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.

Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có 8 đơn vị tham gia thí điểm hoạt động xe điện bốn bánh với 223 phương tiện, hoạt động khu vực phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Làng cổ Đường Lâm, khu vực chùa Hương và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ chủ yếu mục đích tham quan du lịch và nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân viên trong khu vực nội Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

“Mạng lưới xe buýt phát triển rộng khắp phục vụ người dân, cùng với đường sắt đô thị đã và đang trở thành phương tiện công cộng chủ yếu trong đô thị" – ông Nguyễn Phi Thường cho hay.

Theo các chuyên gia giao thông, với thực trạng hạ tầng khó khăn như hiện nay, xe buýt sẽ không thể phát huy hết năng lực. Việc mở rộng mạng lưới chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của Nhân dân, bởi một số nơi người dân chưa tiếp cận được xe buýt.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội còn 66 xã chưa có xe buýt tiếp cận do điều kiện về hạ tầng chưa cho phép. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành giao thông mới chỉ ở giai đoạn đầu...

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, vấn đề hạ tầng xe buýt chưa đồng bộ đã tồn tại từ lâu và trở thành một nút thắt trong hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP. Không chỉ riêng xe buýt, toàn bộ hệ thống giao thông đang đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách và đồng bộ.

“Một trong những vấn đề nan giải của hệ thống xe buýt hiện nay là sự thiếu ổn định của cơ sở hạ tầng và địa điểm chờ xe buýt. Tình trạng chiếm dụng điểm dừng, chờ xe buýt bởi các phương tiện khác như xe rác, ô tô, hàng quán… cũng diễn ra phổ biến, làm giảm hiệu quả của cả hệ thống…", ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.

Để xe buýt hoạt động hiệu quả hơn
Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến tất cả quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Ảnh: Văn Biên

Tổ chức hệ thống di chuyển riêng

Theo các chuyên gia giao thông, để xe buýt phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, làm tiền đề để hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời hướng tới mục tiêu xanh hóa, thân thiện với môi trường, TP Hà Nội cần những giải pháp căn cơ, hiệu quả và toàn diện.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, hạ tầng giao thông kết nối là khâu không thể thiếu trong hạ tầng giao thông công cộng. Để giúp hành khách thuận tiện trong việc chuyển đổi phương tiện từ xe cá nhân sang vận tải hành khách công cộng, cần có điểm dừng, đỗ xe đạp, xe máy, xe ô tô cho người sử dụng phương tiện công cộng.

Xe buýt sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu có làn đường dành riêng cho phương tiện này. Nhiều quốc gia trên thế giới, như Hàn Quốc đã thành công trong việc giải quyết vấn đề đó bằng cách dành riêng làn đường cho xe buýt. Việc phân chia làn đường riêng không chỉ giúp xe buýt di chuyển nhanh chóng, ổn định mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường không khí.

Do đó, TP Hà Nội cần sớm có những giải pháp quyết liệt để dành riêng làn đường cho xe buýt. Ngoài ra, nhằm xây dựng một hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại, hiệu quả, cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cho cả xe buýt, tàu điện lẫn các phương thức giao thông khác kết nối với chúng.

Ngoài ra, cần hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt. Cải thiện cơ sở hạ tầng, đổi mới phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường công tác quản lý, điều hành… Đặc biệt, về nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần bố trí mạng lưới điểm dừng, nhà chờ xe buýt hợp lý hơn, bảo đảm các tiêu chí dễ tiếp cận, an toàn, thuận tiện.

Đồng thời, cần nâng cấp điểm dừng đón xe buýt thành nhà chờ. Mỗi điểm dừng chờ phải có nhiều hành lang tiếp cận tiện lợi hơn, có thể dễ dàng tới được bằng cách đi bộ, sử dụng xe đạp công cộng, hoặc xe cá nhân…

Những đầu mối giao thông có sự liên kết giữa xe buýt, tàu điện cần được đầu tư bài bản để mang đến cho hành khách cảm giác thoải mái, tiện lợi nhất. “Một trong những giải pháp quan trọng nhất để xe buýt thu hút khách, đáp ứng mong muốn của hành khách là tổ chức hệ thống di chuyển riêng. Nếu không có làn đường riêng, xe buýt sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc bảo đảm thời gian đi lại khi mà lượng xe cá nhân gia tăng từng ngày” – ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay.

Những đối tượng được miễn phí sử dụng thẻ giao thông công cộng tại Hà Nội Những đối tượng được miễn phí sử dụng thẻ giao thông công cộng tại Hà Nội
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động