Thứ tư 08/05/2024 19:49

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng hợp tác xã

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện Hà Nội có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%), hiệu quả hoạt động của hợp tác xã ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn và số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục tăng lên.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô - ảnh: Người dân chăm sóc rau tại HTX rau sạch Đông Cao, huyện Mê Linh.(ảnh: Minh Phong)
Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô - ảnh: Người dân chăm sóc rau tại HTX rau sạch Đông Cao, huyện Mê Linh.(ảnh: Minh Phong)

Theo số liệu, TP Hà Nội hiện có 1.393 tổ hợp tác, trong đó có 1.254 tổ hợp tác trong nông nghiệp, 139 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và nội dung hoạt động đa dạng.

Ước đến ngày 31-12-2021, trên địa bàn TP có tổng số trên 2.200 hợp tác xã và Quỹ tín dụng Nhân dân, tăng 143% số hợp tác xã so với thời điểm 31-12-2008 với 602.000 thành viên.

Từ năm 2003, đặc biệt từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã đã củng cố lại tổ chức bộ máy quản lý. Thành viên tham gia theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Cùng với đó, năng lực, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã và tay nghề của người lao động được cải thiện, dần đáp ứng được các yêu cầu phát triển của hợp tác xã.

Các hợp tác xã đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, một số hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường.

Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của TP, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Theo Phó Chủ tịch TP Hà Minh Hải, hiện Hà Nội có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%). Hiệu quả hoạt động của hợp tác xã ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn và số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục tăng lên.

Thời gian tới, TP tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với “chuỗi” giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2030, TP vận động, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 tổ hợp tác, 100 hợp tác xã mỗi năm, nâng tổng số hợp tác xã đến năm 2025 khoảng 2.500 hợp tác xã, đến năm 2030 là gần 3.000 hợp tác xã, trong đó phấn đấu ít nhất 80% hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá, doanh thu bình quân là 3,5 tỷ đồng/hợp tác xã; Thu nhập bình quân của người lao động 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động