Hà Nội: Chất lượng công tác hoà giải cơ sở ngày được nâng cao
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội - mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ngày càng phát huy hiệu quả. |
Hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng
Thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” và Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 23-11-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở", trên cơ sở tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP. UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23-7-2019 về triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn TP.
Kế hoạch số 159 với mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới và nhiệm vụ chính trị của TP; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.
Giai đoạn 1 (từ năm 2019 đến hết năm 2020): 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; Từ 80% trở lên hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của TP, quận, huyện, thị xã tỷ lệ này là 100%; 50% tổ hòa giải đạt tiêu chuẩn tổ hòa giải 5 tốt.
Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến hết năm 2022): 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn hàng năm được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; 100% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải; Từ 85% trở lên hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; 60% tổ hòa giải đạt tiêu chuẩn tổ hòa giải 5 tốt; Hoàn thành việc thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi TP Hà Nội.
Xác định việc hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng, thời gian qua, TP Hà Nội luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Với nhiều mô hình, cách làm độc đáo, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP Hà Nội trung bình hàng năm đều đạt trên 80%.
Hiện, TP hiện có 4.937 tổ hòa giải với tổng số 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822/4.937 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, đạt tỷ lệ 57%.
“Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội có 5 tiêu chí gồm: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên; Phối hợp tốt giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật; Định kỳ giao ban sáu tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.
Việc đưa ra 5 tiêu chí trên đã gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP tăng cao qua từng năm. Một số địa bàn duy trì và tích cực triển khai mô hình này là quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy...
Địa phương điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở
Hơn 15 năm gắn với “nghề” hòa giải, với tấm lòng nhiệt huyết, đam mê, chẳng quản nắng mưa, bà Nguyễn Thị Bầu, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 15 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy như con thoi chăm chỉ ngày ngày se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm… |
Theo ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, triển khai Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23-7-2019 về triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn TP và Luật Hòa giải; Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 20-8-2019 triển khai, thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn quận Cầu Giấy, công tác hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Trung Hòa đã không ngừng phát triển.
Cũng theo ông Nguyễn Hải, công tác hòa giải ở cơ sở của phường Trung Hòa có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả, đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Hầu hết các Tổ hòa giải ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn bảo đảm đúng quy định. Tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước đã hỗ trợ một phần không nhỏ cho chính quyền trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc từ khi mới hình thành, tránh phát sinh thành điểm nóng và trở thành khiếu nại, tố cáo trong nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, từng bước hình thành trong Nhân dân ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; đồng thời phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng phường Trung Hòa ngày càng văn minh, hiện đại.
Ông Hải thông tin, năm 2021, UBND phường Trung Hòa tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 23-11-2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở; Kế hoạch của TP Hà Nội, quận Cầu Giấy về hòa giải ở cơ sở năm 2021 và Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở”; thường xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQ phường kiện toàn, củng cố Tổ hòa giải. Đến nay, toàn phường có 46 Tổ hòa giải với 202 hòa giải viên và 100% hòa giải viên đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
“Năm 2021, các tổ hòa giải trên địa bàn phường đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 32 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 32 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 100%”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho biết, thời gian tới, UBND phường tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 28-02-2017 của UBND quận về việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 23-11-2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy và Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”. Tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ Hòa giải viên theo chương trình khung của Bộ tư pháp và tiếp tục kiện toàn, xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”.
Nhiều năm qua, phường Vĩnh Phúc luôn là điểm sáng trong công tác hòa giải cơ sở của quận Ba Đình nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Để có được thành công ấy, thời gian qua cấp ủy, chính quyền phường Vĩnh Phúc luôn quan tâm củng cố kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.
Bám sát phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải ở phường Vĩnh Phúc đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính...; đồng thời, hạn chế đơn, thư, khiếu nại vượt cấp.
Bà Đặng Thị Mai Hòa, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ hòa giải của tổ dân phố 1B, phường Vĩnh Phúc từ năm 1993 đến nay, là người đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, gắn kết được tình cảm giữa các hộ dân bằng sự giản dị và khéo léo. |
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cho biết, hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý, là mắt xích quan trọng, xóa tan những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Nếu làm tốt khâu này, sẽ góp phần tạo thêm tinh thần đoàn kết trong nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, hướng đến xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Do đó, thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở tại phường Vĩnh Phúc luôn được quan tâm thực hiện.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Dũng, trong công tác hòa giải cơ sở, khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải sẽ tập hợp các hòa giải viên cùng họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất; hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của các hòa giải viên, không để mâu thuẫn phát sinh, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, phát huy vai trò của những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm tham gia hòa giải...
Để thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, bên cạnh việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, UBND phường Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức hội nghị, hội thảo, qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, tài liệu tuyên truyền, hoạt động hòa giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật, sinh hoạt cộng đồng.
Công tác tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở cũng luôn được chú trọng thực hiện thường xuyên. Mạng lưới tổ hòa giải được kiện toàn đã thu hút nhiều thành phần, lực lượng tham gia như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh.
Định kỳ hàng năm, các tổ trưởng, hòa giải viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, các kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, chuẩn tiếp cận pháp luật, phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, giao thông, bảo vệ môi trường.
“Hoạt động hòa giải ở cơ sở ở phường Vĩnh Phúc đã thực sự thu hút được các nguồn lực xã hội cùng tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành cho mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng tiến bộ”, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, nhờ phát huy tốt vai trò của các tổ hòa giải nên các vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp ở phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) ít xảy ra. Các hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại