Gìn giữ, lan toả văn hoá sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Bài 2: Nghề thuốc độc đáo của người Dao
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghề thuốc nam vừa là kế sinh nhai, mang lại thu nhập chính cho các gia đình trong xã |
Nghề thuốc độc đáo của người Dao
Sinh sống ở vùng núi, kế bên Vườn Quốc gia Ba Vì - khu sinh thái lớn nhất huyện có hệ thực vật phong phú, đa dạng, có giá trị lớn, trong đó có hàng trăm loại cây dược liệu quý đã mang lại cho nhiều thế hệ người Dao ở đây nghề làm thuốc nam chữa bệnh cứu người. Đông nhất là những người Dao sinh sống tại thôn Yên Sơn.
Ở thôn Yên Sơn, nhà nào cũng biết làm thuốc, các thế hệ con cháu trong nhà tiếp nối học nghề từ ông bà, bố mẹ đi trước. Tuổi thơ của nhiều người dân ở đây đều gắn bó với cây thuốc. Từ 6 -7 tuổi, trẻ em trong làng, trong thôn đã được người thân chỉ bảo về nghề, bắt đầu từ những việc nhận diện cây thuốc, phụ giúp gia đình phân loại, đóng gói thuốc…
Đến tuổi trưởng thành, thanh niên trai tráng vào rừng tìm cây thuốc, chế biến và bốc thuốc. Việc truyền nghề thường được các gia đình ở đây thực hiện theo những giai đoạn như vậy.
Với xã miền núi khó khăn xa trung tâm, đất nông nghiệp canh tác ít, nghề thuốc nam vừa là kế sinh nhai, mang lại thu nhập chính cho các gia đình trong xã vừa giúp các thế hệ người Dao ở đây tự chữa bệnh cho mình, người thân và làng xã.
Nghề thuốc của người Dao Ba Vì được bồi đắp theo thời gian, thế hệ trước trực tiếp truyền thụ, hướng dẫn, chỉ bảo truyền thụ lại cho thế hệ sau. Những tinh hoa, kinh nghiệm làm nghề vì thế vừa kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc vừa tích lũy bí quyết gia truyền của chính dòng tộc, gia đình.
Theo các lang y ở đây, sở dĩ thuốc nam vẫn được người dân gần xa ưa dùng khi có bệnh vì các cây thuốc quý được khẳng định dược tính qua nhiều thế kỷ nên lành tính, không sử dụng thuốc bảo quản hoặc được tẩm ướp các nguyên liệu khác. Sau khi dược liệu được thu hái, bà con người Dao sẽ chặt, xắt thành từng miếng nhỏ có kích cỡ, độ dày khác nhau phù hợp với mục đích sử dụng: rửa sạch và phơi khô. Những ngày hè hoặc vào tiết thu hanh hao, trên những khoảng sân trước nhà là la liệt các loại dược liệu được phơi khô dưới nắng. Khi đảm bảo yêu cầu, thuốc được lưu giữ đóng gói một cách cẩn thận.
Các lương y người dân tộc Dao Ba Vì ngoài việc vừa bán thuốc tại nhà, còn cung cấp dược liệu cho các nhà thuốc Đông y và trực tiếp chẩn đoán, điều trị bệnh cho nhiều người. Từ đó, nghề thuốc dần dần đã trở thành một kế sinh nhai. Cuộc sống của người Dao Ba Vì cũng trở lên ổn định và khấm khá hơn. Đã có những gia đình nhờ nguồn thu từ bán thuốc gia truyền đã xây được nhà, mua sắm được trang thiết bị gia dụng. Cũng nhờ đó, số hộ nghèo của xã Ba Vì đã được giảm đáng kể.
Cây thuốc Nam đã mang lại thu nhập, giúp không ít gia đình đồng bào dân tộc Dao thoát nghèo. Tính đến đầu năm 2022, toàn xã chỉ còn 11 hộ nghèo (chiếm 1,8% tổng số hộ dân). Từ năm 2019, xã Ba Vì đã không còn nằm trong nhóm thôn xã đặc biệt khó khăn của cả nước.
Kế thừa và phát triển
Tuy nhiên, theo những lang y lâu năm ở đây, trước năm 1996, nguồn dược liệu rất phong phú, dồi dào, bà con cứ lên rừng là bài thuốc gì cũng có. Thế nhưng sau thời gian dài bị khai thác, nhiều loại cây thuốc suy giảm về số lượng. Nhiều cây thuốc nay cũng không còn được tìm thấy nữa.
Năm 1996, Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên. Cũng kể từ đó, đồng bào dân tộc Dao không còn được tự do vào rừng tìm kiếm, khai thác cây thuốc như trước.
Luôn đau đáu và không muốn nghề thất truyền, nhiều lương y như bà Triệu Thị Thanh, Triệu Thị Bảy cùng nhiều người Dao khác đã sưu tầm cây thuốc Nam về trồng. Như vườn nhà bà Triệu Thị Bảy đã trồng thuốc Nam 20 năm với khoảng 160 loài cây thuốc. Đặc biệt, có những loài cây thuốc hiếm, phải trên 10 năm mới được sử dụng như củ dòm, cây bổ máu huyết rồng, cây dào xị, cây đìa sản, đìa ùi, xạ đen, kim ngân…
Theo UBND xã Ba Vì, để duy trì, phát triển và bảo tồn cây thuốc Nam, chính quyền địa phương đã chỉ đạo phát triển việc bảo tồn cây thuốc Nam đến với mỗi gia đình. Xã đã triển khai được 5 ha, được bà con nhân dân nhiệt tình ủng hộ trồng và chăm sóc cây thuốc Nam.
Ngoài ra, nhận thấy giá trị từ những bài thuốc Nam, những lương y ở Ba Vì thay bằng bốc thuốc chẩn bệnh theo phương pháp cổ truyền, họ đã vận dụng công nghệ vào việc sản xuất thuốc.
Lương y Lăng Thị Châm là một trong số những người tiên phong thành lập Hợp tác xã Thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao tại thôn Yên Sơn. Gần đây, Hợp tác xã đổi tên thành Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn và đầu tư nhà máy sản xuất thuốc Nam hiện đại tại thôn Bát Đầm (xã Tản Lĩnh) giáp thôn Yên Sơn, đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP).
Cũng theo Lương y Lăng Thị Châm, từ quy trình sản xuất truyền thống sang dây chuyền hiện đại là bước chuyển dài trong nghề thuốc của người Dao. Vẫn là các dược liệu truyền thống song quy trình sản xuất được khép kín hoàn toàn. Thay vì đun thuốc trên bếp củi, với nhà máy GMP, thuốc cao của Hợp tác xã được cô đặc bằng nồi nấu chân không kết hợp với pha chế trong các bồn hút chân không…, tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn.
Hợp tác xã cũng xây dựng các phòng nghiên cứu vi sinh, hóa lý và tuyển lao động tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược để có kiến thức chuyên môn bảo đảm các mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành Y tế.
"Hiện nhà máy sản xuất thuốc Nam của Hợp tác xã đang sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Tì vị”, “bổ phế”, “dưỡng khớp” mang thương hiệu “Tản Viên Sơn”, các loại trà thảo dược, các sản phẩm mỹ phẩm như dầu gội dược liệu, nước tắm sau sinh… đều lấy giá trị gốc từ bài thuốc gia truyền của người Dao Ba Vì", Lương y Lăng Thị Châm tự hào kể.
Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, người Dao có kinh nghiệm cha truyền con nối với nghề làm thuốc. Hiện, cả xã có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc Nam, có 9 hợp tác xã thuốc Nam được tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
Đồng thời, với sự hỗ trợ của các sở, ngành TP Hà Nội và huyện Ba Vì, đến nay các hộ dân đều đã biết đóng gói bao bì, in nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Một số nghệ nhân đã tiếp cận được với các kênh bán hàng trực tuyến (online), livestream và liên kết với các nhà thuốc để đưa sản phẩm thuốc Nam (chủ yếu là dạng cao) vào tiêu thụ…
Liên quan đến phát triển nghề thuốc Nam truyền thống của người Dao, TP đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, khoảng 2.150 tỷ đồng sẽ được TP bố trí để thực hiện 9 nhóm giải pháp. Một trong những nội dung trọng tâm được TP nêu trong kế hoạch là “phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch; củng cố, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Bên cạnh đó, khoảng 1.500 tỷ đồng cũng sẽ được Hà Nội bố trí để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Dao dưới chân núi Tản Viên. Đây sẽ là trợ lực cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị bền vững cho nghề thuốc Nam của người Dao. |
Ba Vì: Ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC là giải pháp mang tính đột phá | |
Gìn giữ, lan toả văn hoá sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Bài 1 - Nét đẹp truyền thống của người Dao ở Ba Vì |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại