Thứ hai 25/11/2024 05:18

Gìn giữ, lan toả văn hoá sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Bài 1 - Nét đẹp truyền thống của người Dao ở Ba Vì

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi sát nhập vào Hà Nội, người dân tộc Dao ở huyện Ba Vì, tiếp tục gìn giữ phong tục tập quán của cha ông để lại, đồng thời kế thừa và phát huy nét văn hóa phù hợp với thời cuộc.
Gìn giữ, lan toả văn hoá sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Bài 1 - Nét đẹp truyền thống của người Dao ở Ba Vì
Lễ cấp sắc của người Dao ở Ba Vì

Gìn giữ những giá trị truyền thống

Theo ông Dương Trung Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì, tại xã Ba Vì, người dân tộc Dao chiếm đến 98% dân số toàn xã. So với các xã khác trên địa bàn huyện thì xã Ba Vì là nơi có cộng đồng người Dao sống tập trung đông nhất, là địa phương thể hiện rõ nét nhất bản sắc dân tộc Dao qua việc gìn giữ ngôn ngữ, phong tục, lễ hội… mà tiêu biểu là các lễ cấp sắc, lễ chẩu đàng (lễ cũng Bàn Vương – thủy tổ của người Dao), tết Nhảy…

Trực tiếp là thầy cúng trong các lễ cấp sắc, ông Phong cho biết, lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người dân tộc Dao. Cấp sắc là một nghi thức đặc trưng và không thể thiếu, được tiến hành một lần duy nhất trong đời người đàn ông Dao. Theo quan niệm của người Dao, đàn ông đã lập gia đình, có vợ, có con nhưng chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn bị coi là trẻ con. Người chưa được cấp sắc là chưa có tên âm, chưa được tham gia vào các công việc hệ trọng của gia đình, của bản làng, không được giúp việc cho thầy cúng...

Người Dao cũng quan niệm rằng, phải trải qua lễ cấp sắc thì mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Lễ cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác, các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của thần linh, gia tiên và có sự chứng nhận của họ hàng bên nội, bên ngoại, bà con dân bản.

Bên cạnh đó còn có những lễ như Tết nhảy. Khác với lễ cấp sắc, Tết nhảy là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên của người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì nói riêng và của dân tộc Dao nói chung. Mục đích của Tết nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển năm xưa; luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khoẻ, ngày càng làm ăn phát đạt.

Hoặc như đám cưới truyền thống của người Dao cũng có nhiều nét đặc sắc. Theo đó, phong tục cưới hỏi của người Dao sẽ làm theo tuần tự theo 5 bước, gồm: Nghi thức hỏi tuổi; thách cưới/hẹn ngày đặt trầu; lễ đặt trầu; lễ cưới và tổ chức lễ lại mặt.

Và để diễn ra lễ cưới hỏi ngay ban đầu phong tục tập quán đã quy định những lề lối rất chặt chẽ. Ví dụ như đầu tiên, khi đi hỏi vợ cho con, người Dao không chọn ngày mà cứ khi nào rảnh rỗi thì đi. Nhà trai xin nhà gái cho biết tuổi, ngày, giờ, tháng, năm sinh của cô gái. Sau đó, nhà trai mời thày cúng đến nhà xem tuổi của cô gái có hợp với tuổi của chàng trai, của bố mẹ của anh ta không.

Nếu không hợp tuổi thì nhà trai sẽ nhờ người báo tin cho nhà gái biết, coi như từ bỏ ý định kết hôn. Và khi hai người đã hợp tuổi thì nhà trai chuẩn bị sang nhà gái lần thứ hai để thông báo cho nhà gái biết, đặt vấn đề cưới xin. Trong lần thứ 2 này, trên đường sang nhà gái, nếu gặp người đang gội đầu, đang tắm, người đẻ, người chết hay các con thú như hươu, nai, hổ, rắn, chim sa… là điểm xấu, thì sẽ quay về, chọn ngày khác…

Gìn giữ, lan toả văn hoá sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Bài 1 - Nét đẹp truyền thống của người Dao ở Ba Vì

Kế thừa và phát triển phong tục tập quán

Sau khi sát nhập, rõ ràng xã Ba Vì đã có những thay đổi rõ rệt. Những con đường được rải nhựa, bê tông hóa; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, khang trang. Màu xanh no ấm của đồng lúa, rừng cây. Mùi thuốc Nam thơm nồng của làng nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào Dao…

Đồng thời, những nghi lễ, lễ tết truyền thống cũng theo đó mà được điều chỉnh theo. Ông Phong, trước đây, lễ cấp sắc hay Tết nhảy đều được kéo dài trong nhiều ngày với đủ các lễ lạt cũng như cỗ bàn tương đối phức tạp. “Thời gian gần đây lễ cấp sắc đã được rút gọn về thời gian. Trước đây, theo thông lệ của tổ tiên thì lễ cấp sắc diễn ra trong 2 ngày 2 đêm, nhưng đến giờ chỉ còn 1 ngày 1 đêm, với 7 thầy cúng và 2 cô hát.” – ông Phong cho biết.

Cũng vậy, tết Nhảy của người Dao trước kia thường được làm trong 3 năm liền, các năm tiến hành nối tiếp nhau. Chẳng hạn, năm đầu tiên làm 1 ngày 1 đêm, năm thứ hai làm 2 ngày 2 đêm và năm thứ ba làm 3 ngày 3 đêm. Tuy nhiên, thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa mới, hiện nay người Dao ở Ba Vì chỉ thực hiện Tết nhảy 1 lần, mỗi lần thường kéo dài trong 1 đến 3 ngày nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo phong tục.

Hay như phong tục cưới xin của người Dao hiện nay đã gọn nhẹ hơn rất nhiều so với trước. Việc tổ chức cưới hỏi cũng gọn nhẹ hơn, chỉ còn các bước: nhà trai sang xin phép bên nhà gái cho hai con tìm hiểu đi lại với nhau, chọn ngày đẹp sang nhà gái làm lễ ăn hỏi để làm lễ đặt trầu, cuối cùng là xin cưới và làm lễ lại mặt.

Cũng vậy, nếu như trước kia trai gái Dao chỉ được phép lấy người cùng dân tộc Dao, thì ngày nay họ có thể kết duyên tự do với người dân tộc khác. Cùng với đó, các thủ tục cưới hỏi ngày nay cũng đã được đơn giản hóa đi rất nhiều, song các nghi lễ vẫn được diễn ra long trọng, theo đúng phong tục tập quán của đồng bào.

Việc gìn giữ bản sắc của dân tộc, cũng như kế thừa và phát triển cho phù hợp với thời đại là điều không dễ làm. Tuy nhiên, vấn đề này đã được huyện Ba Vì cũng như xã chú trọng. Tại huyện Ba Vì bên cạnh công tác tổ chức tuyên truyền, các ngành chức năng trong huyện cũng thành lập đội bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số ở các xã. Tổ chức bảo tồn tốt Lễ Cấp sắc, Tết nhảy, tri thức làm thuốc Nam của dân tộc Dao…

Ngoài ra, với thế mạnh về du lịch Ba Vì cũng đã chủ động lồng ghép các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số với chiến lược phát triển du lịch. Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được ưu tiên đầu tư đồng bộ, toàn diện. Dẫn như vậy để thấy, các cấp ngành của Hà Nội luôn quan tâm đến việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân tộc thiểu số Thủ đô…

(Còn nữa)

Hà Nội: Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội: Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Ba Vì: Ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC là giải pháp mang tính đột phá Ba Vì: Ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC là giải pháp mang tính đột phá
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động