Giảm án với 3 bị cáo vì hậu quả vụ án được khắc phục hoàn toàn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại toà. |
Theo đó, HĐXX nhận định, trong đơn giải trình kháng cáo, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, không vi phạm Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Phòng, chống tham nhũng… Hoá chất Redoxy-3C không nằm trong danh mục được bình ổn giá của Chính phủ. UBND TP Hà Nội chỉ là chủ đầu tư, mà buộc bị cáo chỉ đạo mua qua Cty Arktic là không đúng căn cứ.
Bị cáo yêu cầu làm rõ Cty Arktic không phải Cty gia đình và bản án sơ thẩm xác định bị cáo phải bổi thường trong khi chưa có giám định tài chính là không có cơ sở.
Trước và đầu phiên toà phúc thẩm, bị cáo Chung kháng cáo kêu oan, yêu cầu đình chỉ vụ án và trả lại 10 tỷ đồng cho chị gái của bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic, giữ kháng cáo và cho rằng, đã thực hiện theo chỉ đạo. Quá trình xét xử, đã tác động gia đình bị cáo khắc phục hơn 5 tỷ đồng. Bị cáo là người có công phát triển cây măng tây trên địa bàn Hà Nội; tích cực ủng hộ quỹ phòng, chống Covid-19...
Bị cáo Võ Tiến Hùng, cựu Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, rút kháng cáo trước khi mở phiên phúc thẩm với lý do sức khoẻ. Tuy nhiên, khi bị tạm giam, bị cáo tiếp tục xin giảm án. Bị cáo đã tác động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả. Vợ của bị cáo cũng đề nghị Toà tuyên gỡ bỏ lệnh kê biên nhà, đất của gia đình vì đã nộp thay chồng đủ 4 tỷ đồng.
Nguyên đơn dân sự, Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, tài sản thiệt hại của Cty là tài sản của Nhà nước. Cty cho mở tài khoản tại kho bạc để tiếp nhận số tiền bồi thường. Phía Cty xin tòa xem xét giảm án cho ông Hùng.
Chủ toạ nêu, đại diện VKSND ban đầu đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Chung và Giang. Tại phần tranh luận, bị cáo Chung khẳng định, Cty Arktic không phải là Cty gia đình và không chỉ đạo bị cáo Giang. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Chung cho rằng, vấn đề xác định thiệt hại trong bản án sơ thẩm không phù hợp với thực tế. Luật sư bào chữa cho bị cáo Giang cũng nêu, bị cáo đã tích cực khắc phục hậu quả.
Toà phúc thẩm cho rằng, quá trình đối đáp sau đó, bị cáo Chung thừa nhận trách nhiệm trong vụ án nên đại diện VKSND đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ mới đề nghị HĐXX giảm án cho bị cáo Chung.
Sau phần đối đáp của VKSND, bị cáo Chung thừa nhận sai phạm; nhận chịu trách nhiệm cùng các bị cáo khác khắc phục hậu quả. Bị cáo thừa nhận, 10 tỷ đồng của chị gái đã nộp trước đó và 15 tỷ đồng vợ mới nộp là để khắc phục hậu quả. Bị cáo Chung cũng được HĐXX phúc thẩm ghi nhận có nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Chiến sĩ thi đua... Ngoài tình tiết giảm nhẹ mà Toà cấp sơ thẩm áp dụng, HĐXX phúc thẩm thấy, cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ mới cho bị cáo.
Với bị cáo Giang, HĐXX phúc thẩm kết luận, là đồng phạm. Bị cáo có động cơ vụ lợi nên có trách nhiệm phải bồi thường. Tuy nhiên, do đã khắc phục hậu quả nên xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
“Toàn bộ thiệt hại của vụ án được khắc phục, do đó chấp nhận huỷ bỏ biện pháp kê biên tài sản của các bị cáo. Số tiền gia đình các bị cáo đã nộp được ghi nhận để đối trừ trách nhiệm bồi thường” – lời Chủ toạ.
Do đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Chung, Giang; đề nghị của bị cáo Hùng và sửa bản án sơ thẩm về phần hình phạt, xử lý tài sản đã kê biên với các bị cáo. Toà tuyên: Bị cáo Nguyễn Đức Chung 5 năm tù (án sơ thẩm 8 năm tù), tổng hợp với bản án trước (5 năm tù) của TAND TP Hà Nội, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung 10 năm; Giang 3 năm tù (án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù); Hùng (án sơ thẩm 4 năm tù) 30 tháng tù;
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo liên đới bồi thường hơn 36 tỷ đồng cho Cty TNHH Thoát nước MTV; bị cáo Chung 25 tỷ đồng, Giang hơn 7 tỷ đồng, Hùng 4 tỷ đồng. Ghi nhận các bị cáo đã khắc phục hoàn toàn hậu quả.
Toà tuyên huỷ lệnh kê biên tài sản với các bị cáo (tài sản của ông Chung gồm 3 tài sản là nhà đất số 88 phố Trung Liệt và 2 căn hộ chung cư 175,7m2 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tài sản của bị cáo Giang là quyền sử dụng căn hộ hơn 100m2 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tài sản của bị cáo Hùng là quyền sử dụng nhà, đất ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Hùng trình bày, xuyên suốt vụ án có 15 hợp đồng liên quan đến chế phẩm RedOxy-3C, trong đó có 2 hợp đồng thử nghiệm và 13 hợp đồng sau khi được chủ trương TP Hà Nội nhân rộng. Sau khi đã được các sở, ngành của TP Hà Nội hướng dẫn về phương thức mua, phê duyệt giá thì chúng tôi mới thực hiện giao kết 13 hợp đồng. Việc thực hiện rất rõ ràng, không có gì mờ ám. Về 2 hợp đồng ban đầu là mua thử nghiệm, bị cáo Hùng cho rằng, nằm trong quyền chủ động của doanh nghiệp vì luật cho phép Cty Thoát nước Hà Nội chủ động. Theo đó, tại buổi kiểm tra ngày 31/7/2016, Cty Thoát nước Hà Nội đã có báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện, đánh giá có thể thử nghiệm được chế phẩm RedOxy-3C với cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Bị cáo Hùng cũng cho hay, khi có các đánh giá từ các bên liên quan, một bộ phận của Cty đã đi tìm hiểu về Cty Arktic. Thấy Cty này pháp nhân rất đầy đủ, được các cơ quan chức năng tại Hà Nội cấp giấy phép hoạt động kinh doanh; phía Cty Arktic trình ra giấy thỏa thuận nhà phân phối độc quyền của Cty Watch Water nên căn cứ vào đó đã mua RedOxy-3C. "28 năm ở Cty Thoát nước Hà Nội, tôi từng làm việc với nhiều thế hệ lãnh đạo, nhưng chưa giai đoạn nào chúng tôi có cơ hội giải quyết dứt điểm tình trang ô nhiễm sông, hồ thủ đô đến vậy. Động cơ của tôi còn là cải thiện sức khoẻ và an toàn lao động cho nhân viên, điều mà công nghệ cũ không làm được", lời bị cáo Hùng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại