Thứ sáu 26/04/2024 02:25

Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông cho Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới, Hà Nội cần nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch.
Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông cho Hà Nội

Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông cho Hà Nội.

Thực tế thời gian qua, việc chậm tiến độ của không ít dự án giao thông là do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Hiện nay, song song với việc triển khai các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện lập và thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư… Dự kiến trong quý IV/2022, thành phố Hà Nội sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỷ đồng cho bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Trọng điểm trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chính là, kết nối giao thông đường bộ giữa các đô thị: Đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, đô thị với nông thôn. Đầu tư khép kín hệ thống đường vành đai các trục xuyên tâm chính. Vận tải khách công cộng khối lượng lớn an toàn chống ô nhiễm môi trường hướng tới phát triển bền vững.

Cụ thể: Từ nay đến năm 2025 hoàn thành đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai 1 và vành đai 2, triển khai đầu tư đường vành đai 4 và hoàn thành trước năm 2030. Khởi động và hoàn thành công trình quốc lộ 1, đoạn Văn Điển - Thường Tín, quốc lộ 3, quốc lộ 6, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục Thăng Long.

Giai đoạn đến năm 2030 hoàn thành đưa vào khai thác đường vành đai 5 và kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và tuyến trục chính của đô thị, các cầu lớn vượt sông Hồng và các sông của Hà Nội

Bên cạnh đó tập trung đầu tư các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống như: Cầu Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Tứ Liên, Giang Biên, Cầu Đuống 2. Thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Về đường sắt, giai đoạn đến 2025, thành phố thúc đẩy thực hiện dự án tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội. Khởi công tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. Triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Nam Thăng Long - Thượng Đình; ga Hà Nội - Hoàng Mai; Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt; Văn Cao - vành đai 4; Nam Thăng Long - sân bay Nội Bài; Mai Dịch - Dương Xá. Đầu tư tuyến đường sắt vành đai quốc gia phía đông Hà Nội, từ Ngọc Hồi - Trần Hưng Đạo - Yên Viên.

Đến 2030 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực trung tâm Hà Nội và triển khai thi công cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt Thủ đô kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh.

Về hàng không, giai đoạn đến 2025, thành phố hoàn thành mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài đạt công suất 15 triệu hành khách/năm. Đến 2030 phát triển mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về phía Nam theo quy hoạch và nhà ga T3 nâng công suất lên 16 triệu hành khách/năm.

Về giao thông tĩnh, giai đoạn đến 2025 hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng các bến xe khách liên tỉnh như: Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh; các bãi đỗ xe ngầm bên trong vành đai 3, một số bãi xe ngầm, nổi và cao tầng theo quy hoạch.

Giai đoạn đến năm 2030 đầu tư đưa vào khai thác các bến xe liên tỉnh khác như: Bến xe Nội Bài, bến xe phía Nam, bến xe phía Tây; cơ bản hoàn thành các bãi đỗ xe ngầm của Hà Nội theo quy hoạch.

Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn, do đó UBND thành phố chỉ đạo điều hành, đôn đốc tiến độ; tập trung quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn. Sắp xếp thứ tự ưu tiên huy động mọi nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị thuộc thẩm quyền quản lý.

Thành phố tăng cường phân cấp trong quản lý đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, tăng ngân sách của Trung ương giao hỗ trợ với tỷ lệ hợp lý để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội phối hợp với Trung ương, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng cân đối nguồn lực từ ngân sách thành phố; đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT...), xã hội hóa đầu tư phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch.

Hà Nội đã "xóa sổ" 36 điểm ùn tắc giao thông
Hà Nội điều chỉnh phương án tổ chức giao thông tại một loạt nút trọng điểm
Hà Nội dành 1.865 tỷ đồng bảo đảm an toàn giao thông giai đoạn 2021-2025
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động