Thứ ba 16/04/2024 17:51

Giải pháp nào hạn chế tự tử ở thanh thiếu niên?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại tọa đàm "Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và Thanh thiếu niên" do trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức với hình thức trực tuyến vào sáng 4/5, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý thanh thiếu niên đã đưa ra những lời khuyên, giải pháp để hạn chế tình trạng tự tử đang nhức nhối trong xã hội thời gian vừa qua.
Giải pháp nào hạn chế tự tử ở thanh thiếu niên?
Ảnh minh họa

Tọa đàm có sự tham gia của những chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý thanh thiếu niên: PGS.TS Trần Thành Nam, TS. Lê Nguyên Phương, TS. Nguyễn Văn Tường, TS Nguyễn Đức Tài, ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy, ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng,...

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra những con số thống kê rất đáng lo ngại về tình trạng tự tử và có ý định tự tử ở thanh thiếu niên. Cụ thể, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, hàng năm có khoảng gần 800.000 người chết vì tự sát mỗi năm (tương đương cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử). Theo số liệu thống kê năm 2014, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho thanh thiếu niên 10-24 tuổi.

Tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên 15-24 tuổi đã tăng hơn 40% trong 10 năm qua. Theo số liệu thống kê, thực trạng tự tử ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng. Đơn cử năm 2019 chiếm 7,5% dân số. Tuy nhiên trên thực tế, con số có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê.

Phương tiện phổ biến nhất được trẻ em dưới 15 tuổi sử dụng để tự tử là nhảy từ các tòa nhà cao tầng và chạy vào dòng xe cộ…

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 từ năm 2020 - 2022, tự tử lại càng đáng báo động khi tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần tăng 3 - 5 lần so với bình thường theo khảo sát của WHO ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6 khu vực cho thấy số ca tăng đáng kể, số người khám sàng lọc đáp ứng trầm cảm tăng 535%. Cũng theo đó trong giai đoạn này, nhóm tuổi từ 11 - 17 tuổi có tỷ lệ tự tử cao nhất”, PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để ngăn chặn tự tử khẩn cấp, những người thân có thể giúp đỡ người có ý định tự tử bằng cách ở cạnh người muốn tự tử, tránh để họ ở một mình; cố gắng thuyết phục hoặc đưa họ đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc tới bệnh viện gần nhất; loại bỏ các loại dao, kéo, dây thừng, thuốc,...

“Người có hành vi, ý định tự sát phải được sơ cứu tâm lý và can thiệp khẩn cấp. Đặc biệt những người có nguy cơ cao phải được nhập viện ngay để điều trị y tế, can thiệp dược lý, gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần”, PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh về lâu dài, các thanh thiếu niên có vấn đề về tâm lý và hành vi tự gây tổn thương cần được giúp đỡ bằng loạt biện pháp phối hợp như huấn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc có thể dẫn đến việc thực hiện hành vi tự gây tổn thương; huấn luyện kỹ năng chấp nhận bản thân để cởi mở với những trải nghiệm khó chịu; hướng dẫn kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề cuộc sống một cách hiệu quả; cung cấp một môi trường an toàn và nuôi dưỡng khả năng phục hồi (ở nhà, trường); loại bỏ định kiến của cha mẹ, thầy cô, bạn bè về người có hành vi tự gây tổn thương.

ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy cho rằng sự quan tâm của gia đình và xã hội chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ trẻ khỏi tự sát. ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy cũng đưa ra 3 bước để phòng ngừa hành vi tự tử. Bước 1 là phát hiện ý tưởng và mưu toan tự sát. Bước 2 là ngăn chặn các hành vi tự sát. Bước 3 là ngăn ngừa tự sát tái diễn. Qua đó, người thân có thể giúp người có ý định tự tử thoát khỏi cuộc khủng hoảng nguy hiểm này.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng cần nhìn nhận các yếu tố nguy cơ đối với hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên đến từ chính cá nhân và bên ngoài.

Từ đó, ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng đưa ra giải pháp: Thứ nhất, chúng ta cần nhìn nhận đúng về tầm quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần thông qua nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Thứ hai, cần tăng cường nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng ở tất cả các cấp thông qua đào tạo, đặc biệt là đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội để đối phó với các vấn đề sức khỏe tinh thần dưới mức nặng ở các trường học và các trung tâm bảo trợ xã hội.

Thứ ba, rà soát và mở rộng mô hình sức khỏe tinh thần cộng đồng, bao gồm đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế cấp cơ sở về hỗ trợ tâm lý - xã hội và sức khỏe tinh thần, trong đó có kỹ năng phát hiện và phòng ngừa các trường hợp có khả năng tự tử với sự phối hợp đa ngành.

Thứ tư là tăng cường vai trò nòng cốt của Bộ GD&ĐT trong hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên, như dạy những kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý; giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học; đầu tư xây dựng và phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường/công tác xã hội trường học; cung cấp cho phụ huynh những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, nuôi dạy con.

Cuối cùng là thực hiện các nghiên cứu đặc biệt tập trung vào vấn đề tự tử, sơ đồ hóa về mặt định tính và định lượng những đặc điểm và khía cạnh khác nhau của các nguyên nhân và yếu tố thúc đẩy ý nghĩ và hành vi tự tử, cũng như đặc điểm của các nạn nhân.

Theo TS. Lê Nguyên Phương, để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ tự tử cần có những biện pháp toàn diện, đánh giá toàn diện: Đánh giá khả năng trẻ em có thể tự tử, đánh giá các yếu tố nguy cơ (về môi trường, gia đình, xã hội) và đánh giá các yếu tố bảo vệ (những yếu tố tích cực như: có bạn bè, thích tập thể thao, nghệ thuật...).

TS. Lê Nguyên Phương lưu ý: “Yếu tố bảo vệ trẻ đầu tiên là cha mẹ, thông qua sự thông hiểu, đồng cảm và hỗ trợ con. Cha mẹ phải theo dõi xem con đang quan tâm vấn đề gì, đọc gì, xem gì và thảo luận với con về nội dung đó, sau đó cùng con đưa ra những kết luận tích cực cho cuộc sống”.

Thiếu nữ tử vong do rơi từ tầng 26 chung cư
Yêu cầu gỡ video, thư tuyệt mệnh của nam sinh trường Amsterdam
Một học sinh lớp 6 rơi từ tầng 18 chung cư xuống tử vong
Ba học sinh lớp 8 rủ nhau ăn lá ngón tự vẫn
Một học sinh trường chuyên nhảy lầu tự vẫn
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động