Thứ năm 31/10/2024 19:14

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đang nỗ lực nâng cấp, cải tạo và dành diện tích đất để xây dựng công viên, vườn hoa. Bên những con phố đông đúc, nhiều công viên, vườn hoa đang được thay áo mới, tạo những không gian trong lành cho Thủ đô.
Việc giữ gìn và cải tạo cảnh quan không gian đô thị tại hồ Trúc Bạch luôn được quận Ba Đình chú trọng.
Việc giữ gìn và cải tạo cảnh quan không gian đô thị tại hồ Trúc Bạch luôn được quận Ba Đình chú trọng.

Những không gian xanh đáng quý

Sau khi UBND quận Ba Đình tiến hành nâng cấp vườn hoa Vạn Xuân, với nhiều hạng mục, như cải tạo hệ thống đường dạo, sân chơi trẻ em, quảng trường trung tâm; cắt tỉa cây xanh, lắp đặt thiết bị vui chơi, thể dục thể thao ngoài trời, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí… nơi đây như được hồi sinh, thu hút đông đảo người dân mọi lứa tuổi đến thư giãn. Đặc biệt vào buổi tối, công viên trở thành nơi tập trung rất đông người lớn và trẻ em tham gia.

Thời gian qua quận Ba Đình cũng rất quan tâm dành quỹ đất và nguồn lực để đầu tư xây dựng các công viên, cây xanh, vườn hoa, hồ nước, công trình công cộng. Trong đó, nổi bật nhất là cụm công trình hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Trúc Bạch thuộc Chương trình 03 Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025”.

Việc hoàn thành cụm công trình hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Trúc Bạch góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực; bổ sung diện tích cây xanh, vườn hoa trên địa bàn, cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân… Bà Phạm Thị Mai (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) cho biết: “Tôi rất vui vì trên địa bàn ngày càng có nhiều công viên, vườn hoa. Những không gian này rất hữu ích, nhất là với trẻ em và người già như chúng tôi khi có nơi đi dạo, tập luyện”.

Thực tế chỉ ra rằng, khu vực nội đô của Hà Nội có mật độ người đông, lượng phương tiện cơ giới lớn nên không khí thường trong tình trạng ô nhiễm. Vì vậy, công viên, vườn hoa là những không gian rất đáng quý với người dân. Đặc biệt, TP luôn coi không gian công cộng là một phần quan trọng trong đô thị. Bởi không gian công cộng đem lại nhiều lợi ích cả về vật chất và phi vật chất, là một phần không thể thiếu của đô thị phát triển bền vững.

“Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân. Ví dụ như công viên Thống Nhất, sau khoảng gần 1 năm thực hiện cải tạo, nâng cấp, gỡ bỏ hàng rào đã thực sự trở thành không gian cởi mở, thân thiện... Người dân được tự do ra vào, tham gia các hoạt động vui chơi, tập thể dục mà không phải mua vé. Lượng người vào công viên nhiều hơn nhưng vẫn bảo đảm trật tự an ninh và vệ sinh, an toàn.

Công viên đã phát huy tối đa công năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí. Tôi mong Hà Nội sẽ có thêm nhiều công viên mở như vậy, tạo sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên bền chặt, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô” - PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Công viên Thủ Lệ luôn được ví như một ốc đảo xanh mát, là điểm đến yêu thích của người dân Thủ đô.
Công viên Thủ Lệ luôn được ví như một ốc đảo xanh mát, là điểm đến yêu thích của người dân Thủ đô.

Nới rộng không gian xanh

Hà Nội đã xác định thúc đẩy phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược giúp phát triển bền vững Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Đáng lưu ý, hiện Hà Nội đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024.

Trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng xây dựng những quy định, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững với nhiều công trình xanh. Các quy định sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại.

Xuất phát từ thực tế đó, đến nay, các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa và 16 công viên, vườn hoa khác đang được khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Năm 2025, TP đặt kế hoạch hoàn thành cải tạo 11 công viên, vườn hoa. Riêng đối với bốn công viên do thành phố quản lý, gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình thì hoàn thành cải tạo trong năm 2026.

Mặc dù Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc phát triển công trình xanh và hạ tầng đô thị thông minh, tuy nhiên công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển công trình xanh, hướng tới xây dựng đô thị thông minh, bền vững.

Đưa ra những giải pháp kiến tạo không gian xanh, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: “Cần phải thành lập cơ quan liên ngành, rà soát lại thực trạng của các công viên trên địa bàn, kể cả Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng phải rà soát lại để đánh giá mức độ sai lệch, lãng phí hoặc chệch hướng trong quá trình phát triển công viên. Từ đó, điều chỉnh lại theo quy hoạch phát triển chung của TP để đạt chất lượng cao nhất.

Việc quản lý, vận hành các công viên cũng cần thay đổi, không thể mãi kéo dài tình trạng các công viên trong nội thành đua nhau xuống cấp; công viên mới xây dựng hoặc bị “treo”, hoặc không mở cửa”. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, ở nhiều nước, công viên là “tài sản chung”, được giao cho cộng đồng quản lý.

Moscow (Nga), Ba Lan hay nhiều quốc gia khác, Nhà nước muốn xây dựng tượng đài ở công viên cũng phải hỏi ý kiến người dân. Chúng ta cũng cần học hỏi điều này. Muốn “hồi sinh” thêm nhiều công viên, vườn hoa thì phải có nguồn lực, có người thực hiện, chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ có khung pháp lý hoặc dự án trên giấy.

Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 332 ngày 31/12/2021 của UBND TP về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa đối với 41 công trình, đến nay các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa (đạt khoảng 31% kế hoạch). Trong năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa (dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch). Đến năm 2025 dự kiến hoàn thành nốt 11 công viên, vườn hoa đạt khoảng 91% kế hoạch.
Cần xử lý triệt để xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh
Phát huy tính năng thiết bị thể thao ngoài trời
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động