Gia đình và hội họa là động lực để nam phạm nhân phấn đấu cải tạo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNguyễn Văn Hiệp đang chăm chú chỉnh sửa bức tranh cho tờ báo tường của đội. |
Cái giá của sự thiếu hiểu biết
“Tôi sinh ra trong một gia đình lao động, bố mẹ phải chật vật kiếm tiền nuôi mấy miệng ăn trong nhà nên kinh tế gia đình không được khá giả. Tôi lại học hành dở dang, chỉ có thể bán sức khỏe kiếm sống thôi nên ai thuê gì cũng làm miễn là có tiền. Vì thế mà với tôi đồng tiền quí lắm”, Hiệp thổ lộ trong mắt vẫn không dời bức tranh đang vẽ dở. Chiếc bút chì trong tay anh ta cứ chậm chạp, từ tốn đưa lên, đưa xuống chỉnh sửa những chỗ mà anh ta chưa ưng ý.
Hỏi Hiệp, một bức tranh vẽ xong trong bao ngày, nam phạm nhân này thủng thẳng: “Cũng còn tùy vào tranh phong cảnh hay tranh con người và tùy cả vào cảm nhận của mình nữa. Tôi cứ vẽ rồi sửa, bao giờ cảm thấy bức tranh ấy không cứng mà gần như thật thì thôi”.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng chàng thanh niên đất Hà thành này lại chưa tốt nghiệp THCS. Đang học lớp 7 thì Hiệp bỏ ngang một phần vì điều kiện kinh tế gia đình, phần vì Hiệp học không giỏi nên bố mẹ cũng không mặn mà gì tới việc hướng cho con lập nghiệp bằng con đường chữ nghĩa.
Ở nhà lao động sản xuất phụ giúp bố mẹ một thời gian thì Hiệp vào nội thành làm thuê và với chân chạy bàn, trông xe ở các nhà hàng, quán bia, anh ta cũng đủ nuôi sống bản thân. Khi bắt đầu có kinh nghiệm và có các mối quan hệ, Hiệp đi làm ở những chỗ có thu nhập cao hơn và cũng đầy sự phức tạp hơn. Đó cũng là lúc Hiệp dính dáng đến ma túy.
Hỏi Hiệp kiếm được nhiều tiền từ ma túy có gửi về biếu bố mẹ đồng nào không, anh ta cười nhẹ: “Chỉ khiến bố mẹ phiền não thêm chứ biếu được đồng nào đâu chị ơi. Tiền kiếm được từ chỗ nào lại phục vụ cho việc làm của mình chỗ đó thôi, cái vòng luẩn quẩn mà”. Hỏi sao biết vòng luẩn quẩn mà không dứt ra, Hiệp lại cười: “Bước vào mới biết, dứt ra làm sao được”.
Theo lời tâm sự của nam phạm nhân này thì từ bạn bè rủ rê mà anh ta biết đến ma túy, biết mua đi bán lại những thứ gây nghiện ấy để kiếm tiền và phục vụ bản thân. Hiệp bảo chỉ thi thoảng bạn rủ thì chơi chứ không nghiện vì sợ nghiện thì “không có tiền nuôi cơn nghiện được”.
Sau một thời gian kiếm được tiền từ ma túy, Hiệp bị bắt và bị kết án 17 năm tù về hành vi mua bán ma túy. Năm 2017, Hiệp về trại giam Vĩnh Quang thi hành bản án. Hiện nam phạm nhân này đang cải tạo lao động ở đội 1, phân trại trung tâm.
Động lực để trở về
“Ngày mới vào đây tư tưởng tôi rất bi quan chán nản. Cứ nghĩ đến khoảng thời gian gần hai chục năm sống cảnh cá chậu, chim lồng, không biết bố mẹ, vợ con ở nhà thế nào là tôi lại thấy bứt rứt trong người”, Hiệp nhớ lại.
Nam phạm nhân này thừa nhận đã có lúc tâm lý dao động, trong đầu đã nảy sinh ý định bỏ trốn nhưng những lời động viên kịp thời của cán bộ quản giáo, sự phân tích có tình có lý của cán bộ giáo dục và hàng ngày chứng kiến nhiều phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn hơn mình rất nhiều, bệnh tật nữa song vẫn cố gắng cải tạo đã khiến anh ta dần dần thay đổi. Hiệp bảo chính những con người thật, việc thật ấy đã tác động đến suy nghĩ của anh ta, đưa anh ta từ chỗ bi quan, tiêu cực biết nhìn nhận lại bản thân để rồi tìm ra lối đi riêng để phấn đấu.
“Ngẫm lời cán bộ nói, tôi thấy cán bộ cũng vất vả, phải sống xa gia đình, vợ con như mình. Nhiều phạm nhân còn bị vợ bỏ, con từ mặt, gia đình không ngó ngàng nhưng họ vẫn lạc quan sống. Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều vì được bố mẹ, vợ con quan tâm, thi thoảng lên thăm gặp”, Hiệp kể.
Không còn ý định bỏ trốn, Hiệp chăm chỉ lao động và dành thời gian rảnh rỗi để lên thư viện đọc sách báo. Theo lời Hiệp kể thì anh ta đến với hội họa rất tình cờ và không ngờ ban đầu chỉ là sự tò mò mà việc vẽ vời giờ lại trở thành niềm yêu thích.
“Hôm ấy lên thư viện, tôi tình cờ nhìn thấy quyển sách dạy vẽ cho thiếu nhi. Chỉ là những nét vẽ sơ sài ban đầu cho người mới làm quen với môn học này nhưng đó là kiến thức cơ bản nên tôi tò mò mở ra xem rồi thấy thích, thế là tôi tập vẽ từ đó”, Hiệp chia sẻ lý do biết vẽ.
Từ chỗ thích học vẽ, thích vẽ, Hiệp bắt đầu quan sát thế giới xung quanh mình và thể hiện vào trong trang vẽ. Tuy nhiên, phải đến khi được các bạn tù động viên, phân trại thành lập đội văn hóa-văn nghệ, Hiệp mới mạnh dạn đăng ký tham gia. Hiệp bảo anh ta mới tập vẽ từ năm 2018, học hành lại không qua trường lớp nên tự thấy bản thân chưa được giỏi nên ngại “múa rìu qua mắt thợ”.
Nhưng khi tham gia vào đội văn hóa- văn nghệ, được làm quen với các công việc liên quan đến kẻ vẽ, được bạn tù trong đội chỉ bảo Hiệp dần quen với việc kẻ vẽ pano, áp phích hay những tranh cổ động của phân trại. Từ chỗ mày mò học và tập vẽ, qua thời gian học hỏi bạn bè và nhất là được quản giáo chỉ bảo, tạo điều kiện nên khả năng vẽ của Hiệp được nâng lên rất nhiều. Hiệp bảo trước khi chuyển về đội 1, anh ta từng cải tạo ở đội 6 và lần ấy báo tường của đội anh ta đạt giải khuyến khích.
“Năm đó, bức tranh tôi vẽ cho báo tường là cành đào, tôi phải sửa đi sửa lại mấy lần mới được ưng ý”, Hiệp kể.
Hiệp bảo, công việc ở đội may túi không vất vả lắm nên sau mỗi ngày đi lao động về, anh ta lại có thời gian để “trò chuyện” với bút chì và tranh vẽ. Hiệp bảo ngoài sự động viên của người thân thì những bút vẽ, lọ màu là niềm đam mê và cũng là động lực để anh ta phấn đấu cải tạo lao động.
“Từ lúc biết vẽ và thích vẽ đến nay, tôi không còn cảm thấy thời gian đi lao động cải tạo dài hơn nữa. Tôi đã tìm ra lối đi cho riêng mình nhưng để có được cơ hội thực hiện niềm đam mê của mình là công rất lớn của cán bộ quản giáo. Tôi rất cảm ơn cán bộ Quỳnh vì chính cán bộ đã khích lệ tôi, đưa tôi vào đội văn hóa-văn nghệ để tôi có được ngày hôm nay”, Hiệp chia sẻ rồi xin phép kết thúc câu chuyện của mình để tiếp tục công việc đang dang dở.
Hy vọng rằng, sau khi mãn hạn, Hiệp sẽ có cơ hội thể hiện khả năng của mình để tạo dựng cuộc sống sau này.
Gia đình là điểm tựa để nam phạm nhân trở về | |
Người vợ là động lực thúc đẩy nam phạm nhân hoàn lương |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại