Chủ nhật 28/04/2024 13:14
Những mảnh ghép từng một thời lầm lỡ được “hồi sinh” ở cộng đồng

Kỳ cuối: Sức mạnh tập thể giúp người lầm lỗi tự tin làm lại cuộc đời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhìn dáng vẻ tự tin của các anh, chúng tôi chợt nghĩ, họ có được ngày hôm nay có một phần công rất lớn của lực lượng CA sở tại. Chính việc làm nghĩa tình của những cán bộ CA đã giúp cho nhiều gia đình có người thân từng lầm lỡ, bước ra khỏi sự mặc cảm tự ti để làm lại cuộc đời...
Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng CA huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.           Ảnh: Nguyễn Vũ
Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng CA huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Vũ

Nhân rộng những gương điển hình tiên tiến

Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng CA huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội cho biết: nhằm làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, CA huyện Chương Mỹ đã tổ chức lồng ghép cùng với các hội nghị trong toàn huyện. Đồng thời làm tốt công tác định hướng, giải quyết, giới thiệu cho các DN trên địa bàn tiếp nhận, tạo điều kiện nhận những đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù có công ăn việc làm ổn định, tránh xảy ra tái phạm, vi phạm pháp luật, cải thiện đời sống của cá nhân cũng như gia đình.

Trong thời gian tới, sẽ tham mưu cho UBND huyện Chương Mỹ tổ chức những hội nghị đánh giá thuận lợi, khó khăn và kết quả của việc triển khai, quản lý công tác tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, có những biểu dương, ghi nhận những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt về phát triển kinh-tế xã hội và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trên địa bàn. Ngoài ra, phía CA huyện cũng sẽ phối hợp với chính quyền, các đoàn thể khác, kết nối cho những đối tượng này được tiếp cận, vay vốn, vươn lên phát triển kinh tế.

Đại úy Lưu Bách Toàn, Phó trưởng CA phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.              Ảnh: Nguyễn Vũ
Đại úy Lưu Bách Toàn, Phó trưởng CA phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Vũ

Xóa bỏ định kiến, kỳ thị với người có quá khứ phạm tội

Đại úy Lưu Bách Toàn, Phó trưởng CA phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, CATP Hà Nội, CA quận Hoàng Mai về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn dân cư, CA phường Hoàng Liệt đã vận động Nhân dân xóa bỏ thái độ định kiến, kỳ thị với người có quá khứ phạm tội và tháo gỡ tư tưởng tự ti mặc cảm của người lầm lỗi khi về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, lôi kéo được các DN tham gia vào việc tiếp nhận vào làm việc hoặc hỗ trợ người có án phạt tù có vốn để đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, còn tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với cơ quan, DN trên địa bàn, trong đó, lực lượng CA là nòng cốt trong công tác tham mưu cho lãnh đạo, Đảng ủy, UBND phường liên hệ, vận động các DN, tổ chức kinh tế tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được học nghề, có cơ hội vay vốn nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Từ đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Qua đó, đã phát hiện, giúp đỡ được nhiều người trong diện tha tù có điều kiện trở lại cuộc sống đời thường, được vay vốn và làm ăn lương thiện.

Rời trụ sở CA thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ và CA phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội khi đường phố đã chập choạng lên đèn, nhìn dáng vẻ tự tin của các anh, chúng tôi chợt nghĩ, họ có được ngày hôm nay chính nhờ một phần công rất lớn của lực lượng CA sở tại.

Chính việc làm tình nghĩa của những cán bộCA đã giúp cho những gia đình có người thân từng lầm lỡ, giúp họ bước ra khỏi sự mặc cảm tự ti để làm lại cuộc đời. Và từ sự cố gắng của người lầm lỗi đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân về những con người tưởng như bỏ đi này để có cái nhìn nhân ái, bao dung và có hành động thiết thực hơn. Đó là sự chung tay để giúp đỡ những người lầm lỡ có việc làm, từng bước ổn định cuộc sống...

Chuyên gia tội phạm học TS. Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật hình sự - Tội phạm học của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội Ảnh: Quốc Doanh
Chuyên gia tội phạm học TS. Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật hình sự - Tội phạm học của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Quốc Doanh

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước

Sau khi trao đổi với Chuyên gia tội phạm học TS. Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật hình sự - Tội phạm học của Trường Đại học Luật, đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, cần nhân lên tính thiện nơi mỗi con người. Như lời người xưa vẫn thường dạy thì “nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người mới sinh ra vốn lương thiện). Có lẽ cái xấu, cái ác sẽ trỗi dậy khi cái thiện không được chăm lo đầy đủ trong quá trình hình thành nhân cách.

Chính vì vậy, để xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn thì cái thiện nơi mỗi con người cần luôn hiện hữu và không ngừng được nhân lên. Những đặc điểm về nhân cách như tính trách nhiệm, lòng trắc ẩn, sự tự trọng, tinh thần yêu nước… chính là cơ chế tự kiểm soát bên trong của mỗi cá nhân giúp cho họ ra những quyết định chính xác, phù hợp xã hội. Sự hỗ trợ của xã hội và gia đình là rất quan trọng đối với mọi người mà đặc biệt là những người từng lỡ lầm để nhận ra, có nghị lực để chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện nhân cách của mình.

Trong bức thư của một tử tù, đó là một thanh niên trong độ tuổi đôi mươi, có học hành đàng hoàng nhưng vì túng tiền tiêu xài đã ra tay sát hại người khác để cướp tài sản. Nằm trong trại giam trước giờ thi hành án, thanh niên trẻ đã viết thư cho bố mẹ mình và thân nhân người bị hại với những lời hối hận, ăn năn, tạ tội. Những lá thư nhòe nhoẹt có lẽ vì nước mắt của gã trong nỗi buồn dâng trào khi thấy và cảm nhận được cái phần thiện le lói sáng một cách muộn màng của kẻ tử tù...

Vì vậy, những con người từng 1 thời lầm lỗi, ví dụ vợ chồng anh Nguyễn Bá Kỹ, anh Ngô Xuân Thưởng, anh Tống Quang Thắng, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội hay anh Trần Ngọc Cường, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội... từng có một thời gian được giáo dục, cải tạo trong môi trường trại giam. Phần lớn những phạm nhân này khi trong trại đều rất ân hận về những tội lỗi mình gây ra. Vì vậy, khi được đặc xá, tha tù hay tha tù trước thời hạn có điều kiện, họ đều mong muốn có được cuộc sống ổn định ngoài cộng đồng.

Tuy nhiên, để có được điều đó, rất cần sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng, khơi dậy tính thiện, mặt tốt, thế mạnh trong mỗi con người, tạo cho họ những cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới. Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những đối tượng này.

Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được CA cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Nếu vay để đào tạo nghề tối đa sẽ là 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu vay để sản xuất, kinh doanh thì được vay tối đa 100 triệu đồng/người.

Đáng chú ý, theo Quyết định này, những cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% trên tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn, được UBND cấp xã xác nhận thì có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Người chấp hành xong án phạt tù sẽ được hỗ trợ vay vốn để đào tạo nghề, để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chính sách thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định khi trở về địa phương. Ngoài ra đây cũng chính là mảnh ghép quan trọng để bức tranh về bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của nhóm người từng mắc sai lầm nói riêng ngày càng tốt hơn, góp phần vào công cuộc phòng ngừa tội phạm tại các địa phương.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 thể hiện sự quan tâm, tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định khi trở về địa phương. Đây cũng là mảnh ghép quan trọng bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của nhóm người từng mắc sai lầm nói riêng, góp phần vào công cuộc phòng ngừa tội phạm tại các địa phương.
Kỳ 2: Gia đình là điểm tựa...
Kỳ 1: Cặp vợ chồng có quá khứ lầm lỡ vươn lên ổn định cuộc sống
Kỳ 3: Vượt qua lầm lỡ
Kỳ 4: Mong được vay vốn mở rộng kinh doanh
Nguyễn Vũ - Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động