Thứ sáu 22/11/2024 12:00

Giúp người lầm lỡ vững tin làm lại cuộc đời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người từng có quá khứ lầm lỗi, giúp họ có thêm động lực đứng lên làm lại cuộc đời.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng cho biết: “đến nay, cả nước đã có 1.861 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với tổng số tiền giải ngân là trên  145 tỷ đồng.   Ảnh: Phan Thủy
Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng cho biết: “đến nay, cả nước đã có 1.861 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với tổng số tiền giải ngân là trên 145 tỷ đồng. Ảnh: Phan Thủy

Gần 2.000 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn

Sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (C11), CA TP Hà Nội, CA huyện Chương Mỹ, CA thị trấn Xuân Mai đã triển khai xây dựng và tham mưu cho UBND thị trấn ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị, mời các đối tượng tù tha, người chấp hành xong án phạt tù... tuyên truyền cho toàn thể những đối tượng này về chủ trương, chính sách của Chính phủ. Đồng thời, tham mưu cho UBND thị trấn có kế hoạch riêng và tuyên truyền cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn đăng ký với chính quyền địa phương.

“Là những phạm nhân trở về theo diện tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá và tha tù, nhiều người đều cho rằng, bản thân là người may mắn nhận được sự khoan hồng đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước. Nhiều người trong số họ đã tâm sự rằng, họ mong muốn được vay thêm vốn để mở rộng công việc làm ăn, kinh doanh của mình. Vì thế, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một trong những chủ trương mới đúng đắn, gợi mở, tạo cơ hội cho những người có quá khứ lầm lỗi được làm lại cuộc đời...”, Trung tá Tống Quang Hiếu, Trưởng CA thị trấn Xuân Mai nhấn mạnh.

Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng cho biết: năm qua, đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra CA các địa phương thực hiệu quả nhiệm vụ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng. Đặc biệt, đã tham mưu với lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chính sách mới, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta đối với người lầm lỗi, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực là cung cấp nguồn vốn, tạo công ăn việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm ANTT, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và cả nước. Đến nay, cả nước đã có 1.861 người được chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với tổng số tiền giải ngân là trên 145 tỷ đồng. Công tác truyền thông được quan tâm chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần tăng thêm uy tín, niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước ta. Hiện nay, cả nước có 355 mô hình tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, góp phần hạn chế người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội.

Trung tá Tống Quang Hiếu, Trưởng CA thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội:
Trung tá Tống Quang Hiếu, Trưởng CA thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội:

Đề cao tính nhân văn...

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tội phạm học TS. Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật hình sự - Tội phạm học của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: những người từng có quá khứ lầm lỗi, họ có một thời gian được giáo dục, cải tạo trong môi trường trại giam, phần lớn khi trong trại đều rất ân hận về những tội lỗi của mình. Vì vậy, khi được đặc xá, tha tù hay tha tù trước thời hạn có điều kiện, họ đều mong muốn có được cuộc sống ổn định ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, để có được điều đó, rất cần sự chung tay giúp sức của cả cộng động, khơi dậy tính thiện, mặt tốt, thế mạnh trong mỗi con người, tạo cho họ những cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới. Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những đối tượng này. Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được CA cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Nếu vay để đào tạo nghề tối đa sẽ là 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu vay để sản xuất, kinh doanh thì được vay tối đa 100 triệu đồng/người.

Theo Quyết định số 22, những cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% trên tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn, được UBND cấp xã xác nhận thì có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù, thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định khi trở về địa phương. Ngoài ra, đây cũng chính là mảnh ghép quan trọng để bức tranh về bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của nhóm người từng mắc sai lầm nói riêng ngày càng tốt hơn, góp phần vào công cuộc phòng ngừa tội phạm tại các địa phương.
Bài học đầu đời của chàng thanh niên trẻ
Người phụ nữ làm lại cuộc đời từ những điều giản dị
Làm lại cuộc đời sau vấp ngã chưa bao giờ là muộn
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động