Gia đình là điểm tựa để nam phạm nhân trở về
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhạm nhân Nguyễn Văn Nam mong vợ con tha thứ, để làm điểm tựa cho tôi phấn đấu cải tạo nốt những năm tháng còn lại |
Những chuyến xe ôm đêm “lệch đường”
Sinh ra trong gia đình làm nông, nhưng đông anh em, vì thế Nguyễn Văn Nam cũng không có điều kiện được học hành. Theo lời Nam thì anh ta cũng được đi học, cũng biết đọc biết viết rồi nhưng chưa học hết cấp 1 thì đành phải nghỉ. Nghỉ học, Nam giúp bố mẹ việc nhà, việc đồng áng. Đến 18 tuổi, Nam lấy vợ. Lấy vợ sớm, Nam trở thành ông bố trẻ nhưng thu nhập vẫn quanh quẩn vài sào ruộng với ít đất trồng màu.
Nam bảo ngày đó cũng theo người làng đi làm thợ xây, bôn ba các tỉnh thành nhưng tiền tích cóp được cũng chỉ đủ phụ gia đình thêm phần chi tiêu khá hơn chút. Nam cho biết, ngày đó còn nhiều sức khỏe nên ai thuê gì cũng làm. Tuy nhiên, gánh nặng cơm áo, tiền học hành của ba con đã khiến Nam ngày càng thấy áp lực và để trốn tránh những mệt mỏi ấy, Nam chăm đi lễ nhà thờ hơn song sự cứu rỗi không làm cả gia đình Nam no bụng. Vì vậy, anh ta đã bàn với vợ, ở nhà chăm lo các con, ruộng vườn và cho Nam lên Hà Nội chạy xe ôm để mong kiếm thêm thu nhập lo cho các con, gia đình.
Tuy nhiên, cuộc sống chốn phồn hoa đâu phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền, nhất là khi sức khỏe của Nam không còn sung sức như ngày thanh niên nữa. Trong khi đó khách đi xe ôm cũng chọn xe theo xu hướng bác tài ăn mặc sạch sẽ và đi xe đẹp, xe mới. “Ban ngày không kiếm được khách thì tôi chuyển sang hành nghề vào ban đêm, vì thế mà tiếp xúc nhiều với mặt trái của xã hội”, Nguyễn Văn Nam kể.
Mặt trái ấy, theo lời Nam là những cô gái bán dâm rẻ tiền, là những con nghiện, miệng lúc nào cũng lệch đi vì lên cơn vật và cả những kẻ mua đi bán lại vài tép ma túy để có tiền tồn tại. “Ban đầu tôi cũng ngại nhưng rồi tặc lưỡi, việc ai người đó làm, nước sông không phạm nước giếng. Ai ngờ tiếp xúc lắm rồi mình cũng nhúng chàm”, Nam thở dài
Nguyễn Văn Nam bảo rằng mình vẫn không thể nào quên được cái lần đầu tiên đi ship hàng ma túy. Lần đó vừa mới tết xong nên cái nghề xe ôm của Nam ế ẩm. Trong lúc đang định về quê, thì Nam được một khách quen nhờ lên khách sạn ở phường Cửa Nam ship một gói hàng về ngõ Thông Phong, đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội.
Nam vội lao đi, trong lòng mừng vui vì có tiền sống qua những ngày tới. Nam được trả công 500.000 đồng, một khoản tiền mà có nằm mơ cũng không bao giờ ước được nhiều như vậy trong khi quãng đường có vài cây số. “Tối đó, tôi vẫn còn vui lắm và phải đến hai hôm sau tôi mới ngờ ngợ nghĩ rằng hình như việc tôi làm không đơn thuần là ship một gói hàng”, Nam kể. Tuy nhiên, sau lần đó, Nam chính thức trở thành kẻ chuyên ship ma túy thuê cho người đàn ông này.
Cái giá quá đắt sau gần 20 chuyến hàng
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2011, Nam đã nhiều lần vận chuyển ma túy thuê cho người đàn ông tên Tùng, từ khách sạn ở phường Cửa Nam đến những nơi có khách yêu cầu. Những địa chỉ đó chủ yếu là nhà hàng, khách sạn và khách hàng là những kẻ ăn chơi, thích bay nhảy. Vì thế mà chủng loại ma túy họ sử dụng cũng không chỉ là heroin mà bao gồm cả thuốc lắc, ma túy đá và ketamin.
Theo lời khai của Nam thì mỗi lần vận chuyển ma túy khối lượng không nhiều, chỉ là một gói nhỏ, dễ cất giấu nên Nam cũng chủ quan. Cho rằng mình là kẻ chạy xe ôm có thâm niên ở Hà Nội nên việc chạy tới chạy lui các khách sạn, nhà nghỉ phục vụ khách là chuyện bình thường.
Nam đâu ngờ mình đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng CA. Tới khi bị bắt, số lần Nam nhớ được là khoảng 17 lần đi lấy ma túy và giao hàng cho khách. Mỗi lần như thế, Nam được trả công 300-500 ngàn đồng. Thêm vài lần được khách trả hơn, tổng cộng Nam hưởng lợi 19, 2 triệu đồng. Với hành vi nhiều lần mua bán ma túy, Nam bị kết án chung thân.
Tâm sự phạm nhân Nguyễn Văn Nam cho biết, khi nghe Tòa tuyên án chung thân, anh ta vẫn không thể tin được mức án của mình lại nặng như thế. Nam bảo đến khi về đến buồng giam, anh ta vẫn mơ hồ, không nghĩ hành vi của mình lại đối mặt với những năm tháng tù dài đằng đẵng.
Về trại giam cải tạo, Nam bảo rằng mình phải lao động cải tạo trong xưởng sản xuất dành cho những phạm nhân có mức án dài. Công việc lao động thì thay đổi theo đơn đặt hàng của trại giam, có lúc làm khâu bóng, có làm may... Nhưng với Nam công việc nào cũng có thể bắt tay ngay được. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mắt Nam có phần kém đi, nên định mức công việc cũng có phần giảm hơn. Tuy nhiên, anh cũng đã cố gắng cần cù để lao động đạt định mức giao.
Nhắc đến gia đình, Nam trầm ngâm hẳn. Anh ta bảo rằng, điều khiến Nam ân hận nhất chính là cái chết của bố mẹ. Biết là bố mẹ già, trước sau rồi cũng không thể ở mãi với con cháu nhưng cái tin bố mẹ lần lượt qua đời mà Nam không về được vẫn khiến anh ta day dứt.
Chia sẻ với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Văn Nam bảo do điều kiện gia đình nên mỗi năm vợ con Nam chỉ vào thăm ông ta được 1 lần vào dịp gần tết. Nam bảo đó là một sự cố gắng, là lời động viên không gì có thể sánh bằng mà vợ con dành cho mình. Giờ đây, Nam bảo mình đã là ông bà nội, các con đã trưởng thành và tất cả những điều đó đều do một tay vợ anh ta lo cho các con.
“Giờ đây, sau hơn chục năm cải tạo trong trại, tôi chỉ mong vợ con tha thứ, để làm điểm tựa cho tôi phấn đấu cải tạo nốt những năm tháng còn lại. Nếu không có gì thay đổi, có thể năm sau, tôi sẽ được vào vòng giảm án có thời hạn và như thế, ngày về của tôi sẽ ngắn lại...”, phạm nhân Nguyễn Văn Nam chia sẻ với ánh mắt đầy hy vọng rồi xin phép về khu xưởng sản xuất, tiếp tục công việc lao động của mình.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại