Thứ sáu 19/04/2024 00:42

F0 tại Hà Nội chiến thắng tử thần: Tôi cố gắng tập thở hàng ngày để sống sót

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nằm trong viện cũng không biết mình nằm ở đâu, cứ mê mê tỉnh tỉnh. Khi bắt đầu tỉnh lại, tôi vẫn cảm thấy khó thở như trước lúc trở nặng. Tôi đã phải tập thở, tập liên tục hàng ngày rất khổ…

Cảm giác khó thở như bị ai bịt mũi

Là bệnh nhân Covid-19 nặng đầu tiên được điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại BV Thanh Nhàn và được hồi sinh sau 50 ngày chiến đấu với Covid-19, ngày 17-9 anh Hoàng Văn Ng, 48 tuổi ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội đã được xuất viện để trở về với cuộc sống bình thường mới.

Chia sẻ về quá trình chiến đấu với căn bệnh này, anh Ng, cho biết, bản thân đã trải qua những thời điểm vô cùng khó khăn, bởi với bệnh nhân Covid-19 thì ngay cả việc để thở được cũng là sự nỗ lực vô cùng lớn.

Kể lại diễn biến bệnh tình của mình, anh Ng, cho biết, khi vào khu cách ly tập trung ở Thanh Trì được khoảng hơn 10 ngày thì anh có triệu chứng bệnh. Lúc đầu anh sốt rất cao, tới 39-40 độ, kèm theo trong người cảm thấy khó chịu, không thở được… Kết quả xét nghiệm dương tính, anh Ng được đưa đi điều trị. Trước đó anh cũng rất lo sợ sẽ bị mắc bệnh, nhưng anh không nghĩ mình bị nặng vì bản thân không có bệnh gì và lại rất khỏe mạnh.

Thế nhưng với chủng Delta thì mọi thứ lại không như anh nghĩ, bệnh tình của anh trở nặng rất nhanh. Anh kể lại: “Khi được thông báo kết quả dương tính, tôi cảm thấy rất lo, nhất là khi các triệu chứng càng ngày càng nặng lên, sốt cao hơn. Đặc biệt là tôi rất sợ cảm giác khó thở; cảm giác cứ tăng dần lên như bị ai bịt mũi...”.

Thế rồi anh Ng. dần rơi vào hôn mê. “Tôi không còn nhớ nổi, khi được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn tôi đã rất khó thở, lúc không thở nổi tôi bất tỉnh, không biết gì nữa. Mấy ngày liền. Nằm trong viện cũng không biết mình nằm ở đâu, cứ mê mê tỉnh tỉnh”-anh Ng, hồi tưởng.

Cảm giác lúc nửa tỉnh nửa mê cho đến bây giờ vẫn ám ảnh anh: Đã có lúc tôi tưởng mình sắp chết, không thở nổi nữa. Lúc đó tôi cảm thấy không thể cố được nữa, tôi buông xuôi nằm yên, và tôi bắt đầu rơi vào hôn mê, không thở được nữa. Nhưng trong đầu tôi vẫn biết, tôi nghĩ mình sẽ chết. Sau đó tôi bắt đầu được đưa đi điều trị tích cực, mở khí quản, chạy ECMO…

Mong không ai bị bệnh, cố gắng phòng dịch thật tốt

Trải qua hôn mê, khi tỉnh lại anh Ng, lại có cảm giác khó thở như trước lúc trở nặng. “Lúc đó tôi vừa tỉnh, vừa mê cũng không biết cảm giác sợ, chỉ biết như sống lại lần nữa”, anh Ng, nói.

Những ngày tiếp sau đó, anh Ng, phải nỗ lực phối hợp với thầy thuốc chỉ để… tập thở. “Tôi buộc phải tập thở, tập liên tục hàng ngày, rất khổ. Cảm giác thở rất mệt, phải kéo hơi vào phổi. Sau hồi phục, tôi mới nói được cách đây khoảng 1 tuần, còn lại chỉ biết nhắn tin cho người nhà ở ngoài. Các bác sĩ động viên tôi tập thở hàng ngày, thở bằng cách hít sâu vào. Cố gắng để hít sâu vào rất mệt… Tôi nghĩ bệnh này phải cố gắng rất nhiều, nếu bệnh nhân nào không cố gắng thì khó qua khỏi”.

Và bí quyết để chiến thắng được bệnh của anh Ng, luôn luôn là cố gắng tập thở mỗi ngày. “Trước khi rơi vào hôn mê tôi chỉ biết tập thở, cố gắng hít sâu liên tục, bác sĩ cũng luôn ở bên cạnh hướng dẫn, động viên. Động lực giúp tôi cố gắng là chỉ biết nghe theo bác sĩ, nếu không sẽ chết… Khi tỉnh lại tôi bắt đầu tập thở, cũng phải cố gắng rấtt nhiều mới có thể hồi phục”.

Với nỗ lực đó cùng sự động viên của thầy thuốc, anh Ng, đã tỉnh táo trở lại. “Lúc tỉnh dậy tôi rất vui, các bác sĩ cũng bảo tôi để được đến giờ này là đã hết sức cố gắng. Những ngày qua tôi nằm viện, người nhà liên lạc vào, các bác sĩ ở bên cạnh luôn động viên tôi cố gắng, vì vậy tôi cũng hết sức cố gắng tập thở để vượt qua được”.

F0 tại Hà Nội chiến thắng tử thần: Tôi cố gắng tập thở hàng ngày để sống sót
Trong niềm vui được hồi sinh và ra viện, anh Ng. khuyên mọi người nên phòng dịch thật tốt đến tránh bị lây nhiễm (ảnh P.C)

Niềm vui của anh Ng, khi tỉnh lại là nghe tin cả 5 người trong gia đình anh đã khỏe mạnh trở lại sau thời gian chống chọi với căn bệnh này. Anh tâm sự: Cả gia đình tôi có 5 người bị mắc Covid-19, có tôi và một người là mẹ của em rể bị nặng nhất, còn lại mọi người đã khỏe lại, đều đã ra viện. Hôm nay được ra viện tôi rất vui, cảm ơn Nhà nước, Bệnh viện đã rạo điều kiện điều trị cho người bệnh Covid-19 và các y bác sĩ nỗ lực hết sức để cứu tôi. Tôi như được sinh ra một lần nữa.

Ngày đoàn tụ của gia đình anh đến gần, anh đã thoát khỏi cửa tử với sự nỗ lực của các thầy thuốc BV Thanh Nhàn cũng như bằng chính sự cố gắng của bản thân. Từ trải nghiệm của bản thân anh nhắn nhủ: Là người mắc Covid-19 tôi cảm thấy rất khổ. Bản thân tôi bị nặng, tôi cũng chứng kiến nhiều bệnh nhân tuổi già, yếu, các cháu bé không có người thân bên cạnh chăm sóc, cảm thấy rất khổ. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mắc bệnh hay bị nặng. Mong sao không ai bị bệnh, mọi người cố gắng phòng dịch thật tốt để tránh lây nhiễm.

Bệnh nhân được cứu sống nhờ nhiều kỹ thuật khó, phức tạp

Theo BS. Nguyễn Thị Lan Hương-Phó giám đốc BV Thanh Nhàn, bệnh nhân Ng. không có bệnh nền, là một ca bệnh nặng, tổn thương phổi đến 80%. Khi quyết định can thiệp ECMO cho bệnh nhân, chúng tôi rất lo lắng vì tổn thương phổi nhiều như thế thì sử dụng ECMO bệnh nhân có qua khỏi được không.

"Đây là ca mắc Covid-19 nặng đầu tiên điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại BV Thanh Nhàn. Bệnh nhân trải qua 50 ngày chiến đấu với bệnh Covid-19, nhờ những kỹ thuật khó và phức tạp như thở máy, lọc máu, ECMO… bệnh nhân đã chiến thắng bệnh tật", BS. Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

Theo Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn, để có được thành công này là nhờ sự nỗ lực hết mình của các chiến sĩ áo trắng, ngày đêm bên giường bệnh theo dõi từng nhịp tim, nhịp thở, đếm từng giọt máu chăm sóc người bệnh từng ly từng tý khi được can thiệp ECMO. Thành công này không chỉ là niềm vui cho người bệnh mà còn là niềm hạnh phúc của đội ngũ nhân viên y tế BV Thanh Nhàn, đặc biệt là các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Quá trình sử dụng kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân, ê-kip của BV Thanh Nhàn đã nhận được sự tư vấn chuyên môn của các thầy thuốc bệnh viện tuyến Trung ương như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai

Được biết, cả BV Thanh Nhàn chỉ có một chiếc ECMO, được trang bị từ năm 2019. Khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, thở HFLC (thở oxy lưu lượng cao qua mũi) không được tốt và chuyển thở máy xâm nhập, nhưng vì tổn thương của bệnh nhân quá nặng, tổn thương điểm CT lên tới 22-23 điểm, do vậy mà phổi của bệnh nhân bị đông đặc. Với tình trạng này của bệnh nhân thì chỉ có kỹ thuật ECMO mới cải thiện được oxy của cơ thể, tái tạo lại tế bào của phổi cũng như là cơ tim đã bị tổn thương. Nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO đã đem lại cho người bệnh sự sống.

Việc điều trị ca bệnh nhân Covid-19 nặng thành công góp phần giúp cho các y bác sĩ tự tin hơn và tiếp tục con đường bảo vệ sức khỏe người dân. Và đây cũng là niềm động viên đối với các chiến sĩ áo trắng trong đại dịch Covid-19.

Tại BV Thanh Nhàn đã tiếp nhận và điều trị cho 604 bệnh nhân Covid-19 (F0). BV Thanh Nhàn là bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, do vậy mà bệnh nhân Covid-19 nặng thường sẽ được chuyển đến đây, đa phần là những bệnh nhân lớn tuổi, có kèm bệnh lý nền, một số ít là bệnh nhân trẻ tuổi.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động