Thứ hai 17/06/2024 21:00

Dùng a-xít tấn công người khác bị xử lý ra sao?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo chuyên gia pháp lý, nghi phạm trong vụ án này sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng, có thể phải đối diện khung hình phạt cao nhất.
Dùng a-xít tấn công người khác bị xử lý ra sao?
Nghi can Đặng Hoàng Toàn và hiện trường vụ tạt a-xít Ảnh: T. An

Hậu quả do a-xít gây ra luôn nghiêm trọng

Ngày 23/5, CA quận 7 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP Hồ Chí Minh lấy lời khai đối với nghi phạm Đặng Hoàng Toàn, SN 1986, trú tại quận 4, TP Hồ Chí Minh để điều tra về vụ tạt a-xít làm 1 người chết, 7 người bị thương. Tại cơ quan điều tra, Toàn khai, tối 22/5, nghi phạm cùng 8 người khác ăn nhậu tại phòng trọ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Trong lúc ngồi nhậu, giữa Toàn và nhóm bạn xảy ra mâu thuẫn nên Toàn bỏ lên gác ngủ.

Tuy nhiên, nghi phạm khai rằng, nghe nhóm bạn nhậu nói xấu mình nên bực tức, lấy 1 can hóa chất dùng trong xây dựng có thành phần chính là a-xít rồi quay lại chỗ nhậu với mục đích dằn mặt nhóm nói xấu mình. Sau đó, Toàn bất ngờ tạt hóa chất vào bàn nhậu khiến 8 người đang có mặt bị bỏng nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng CA có mặt tại hiện trường và bắt giữ Toàn, 8 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Nhưng vì bỏng nặng, 1 người đã không qua khỏi.

Nhận định về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, dùng a-xít tạt vào người khác gây thương tích là hành vi rất tàn nhẫn bởi hậu quả không chỉ để lại những tổn thương cơ thể cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đến các chức năng vận động và đến các bộ phận, cơ quan khác trên cơ thể con người. Hậu quả thương tích do a-xít gây ra luôn nghiêm trọng hơn các hình thức gây thương tích khác. Vì vậy, khi xử lý hình sự đối với các đối tượng sử dụng a-xít gây thương tích cho người khác thì cơ quan tố tụng thường sẽ áp dụng chế tài rất nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái viện dẫn, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có nhiều quy định mới về hành vi cố ý gây thương tích khi sử dụng a-xít hoặc hóa chất nguy hiểm. Theo đó hành vi sử dụng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm thì dù thương tích chưa tới 11% cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu sử dụng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm mà chưa thực hiện hành vi phạm tội thì cũng sẽ bị xử lý hình sự theo khoản 6 Điều 134, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” với hành vi là chuẩn bị phạm tội.

Nếu tổng tỷ lệ thương tích của các nạn nhân từ 11% đến 30% thì đối tượng sẽ bị xử lý theo khoản 2 Điều 134 BLHS với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 6 năm. Trường hợp tổng tỷ lệ thương tích của các nạn nhân từ 31 đến 60% thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Trường hợp thương tích của các nạn nhân từ 61% trở lên thì hình phạt có thể tới 14 năm tù. Tổng tỷ lệ thương tích của nạn nhân sẽ quyết định đến việc áp dụng khung khoản điều luật về tội “Cố ý gây thương tích”. Còn tỷ lệ thương tích của mỗi nạn nhân khác nhau cho thấy mức độ thiệt hại về sức khỏe của mỗi nạn nhân khác nhau, đây là căn cứ để tính thiệt hại, làm cơ sở để buộc đối tượng gây thương tích phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Xử lý nghiêm!

Ngoài việc bị xử lý hình sự thì người thực hiện hành vi tạt a-xít vào người khác sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút trong và sau khi điều trị, tiền công người chăm sóc và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái chia sẻ thêm, khi sửa đổi bổ sung BLHS cũng có nhiều ý kiến cho rằng hành vi sử dụng a-xít để tạt vào người khác có thể xử lý về tội “Giết người”. Tuy nhiên cơ sở lý luận cũng như thực tiễn để xử lý về tội “Giết người” trong tình huống này rất khó bởi tính chất nguy hiểm của a-xít cũng chỉ có thể gây ra thương tích cho nạn nhân. Trường hợp sử dụng bằng những cách thức nguy hiểm như tạt, té a-xít vào người khác thì rất khó để chứng minh mục đích giết người hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người. Trong trường hợp có căn cứ chứng minh hành vi có thể dẫn đến chết người thì mới có thể xử lý về tội “Giết người”.

“Như vậy, văn bản pháp lý liên quan đến hình thức xử lý với loại tội phạm có hành vi tấn công người khác bằng a-xít đã có. Tùy thuộc vào quá trình điều tra, xem xét những vấn đề liên quan như động cơ, mục đích, tỷ lệ thương tật, hoạt động có tổ chức hoặc những vấn đề khác, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ cụ thể để ban hành mức xử lý vi phạm đối với nghi phạm trong vụ án trên” - luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích thêm.

Bình Dương: Bắt kẻ tạt axit khiến người phụ nữ tử vong
Gã bạn trai và đồng bọn đối diện mức án nào?
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động