Chế tài xử lý đối tượng quay lén ca sỹ Châu Bùi thay đồ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh trích xuất từ đồng hồ quay lén khi ca sỹ Châu Bùi thay đồ (Ảnh: FB Châu Bùi) |
Ngày 25/6, mạng xã hội lan truyền thông tin vụ Châu Bùi, fashionista (người có ảnh hưởng về thời trang) bị camera ngụy trang quay lén trong nhà vệ sinh nữ tại một studio ở phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Vụ việc xảy ra vào chiều 23/6, đến sáng 25/6, Châu Bùi có bài viết kèm hình ảnh trên trang cá nhân, kể lại sự việc cô phát hiện bản thân bị quay lén trong phòng thay đồ, là nhà vệ sinh của một studio nổi tiếng ở quận 3.
Theo bài đăng, chiều 23/6, cô và ê-kíp có buổi thử đồ tại studio nói trên. Phía Châu Bùi rất cẩn thận, đã kiểm tra kỹ phòng thay đồ trước khi để người đẹp vào sử dụng phòng. 30 phút sau, Châu Bùi phát hiện vật thể lạ nằm lẫn trong chiếc khăn đặt ở phòng thay đồ. Người đẹp kiểm tra thì thấy đây là chiếc đồng hồ cơ, nhưng có nhiều dấu hiệu khả nghi như mặt đồng hồ rất nóng, có tín hiệu nháy đèn khi bấm nút.
Lúc này, đồng nghiệp tìm kiếm trên mạng, tá hỏa khi phát hiện vật thể đang cầm trên tay là đồng hồ ngụy trang camera quay lén. Nhóm Châu Bùi lập tức làm việc với chủ studio, tiến hành kiểm tra camera an ninh, và phát hiện người đàn ông tên N.T.H. có biểu hiện nghi vấn. Người này thuộc đội sản xuất, có trách nhiệm mở cửa studio và chuẩn bị buổi thử đồ. Đây cũng là người ra vào phòng vệ sinh nữ nhiều lần.
Ngày 25/6, CA quận 3 đã phối hợp với CA phường Võ Thị Sáu làm việc với những người liên quan, điều tra vụ Châu Bùi bị quay lén tại một studio trên địa bàn. Nam thanh niên nghi quay lén Châu Bùi cũng được lực lượng chức năng đưa đến hiện trường.
Luận bàn dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi quay lén người khác trong phòng thay đồ là vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội, nếu phát tán những hình ảnh này gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn: theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi quay lén người khác có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong các trường hợp sau:
Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, cần căn cứ vào mục đích, tính chất, mức độ của hành vi quay lén người khác để xử lý theo pháp luật. Nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, hình phạt được áp dụng sẽ là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Nếu người có hành vi quay lén người khác, sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo quy định tại Điều 326, Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Hình phạt đối với tội này bao gồm phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại