Phơi thóc, đốt rơm rạ ngoài đường gây tai nạn giao thông: có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVụ tai nạn giao thông xảy ra hôm 12/6 tại xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên làm 2 người bị thương. Ảnh: CAHY |
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Thời điểm này, người dân đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân. Nhiều tuyến đường ở các tỉnh đang xuất hiện tình trạng phơi lúa, rơm rạ. Không chỉ cản trở đi lại, việc phơi thóc lúa, rơm rạ trên lòng đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đối với người và phương tiện.
Đi trên các tuyến giao thông, nhất là tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn tại Bắc Ninh trong những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh một số hộ dân phơi thóc trong phạm vi lòng, lề đường. Do không có không gian, mặt bằng làm sân phơi, bà con nông dân đã mang thóc ra phơi trực tiếp trên đường. Để ngăn các phương tiện không đi vào, nhiều chỗ người dân đã lấy gạch, đá, các vật dụng đặt trước khu vực phơi thóc gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.
Tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa đã tận dụng luôn vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc, làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người, phương tiện. Đặc biệt, giữa tháng 6 vừa qua, tại nhiều địa phương trong tỉnh như thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, các huyện Gia Bình, Yên Phong, Lương Tài, thành phố Từ Sơn, người dân đều phải chịu cảnh khói bụi bao trùm, gây ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ gây ra. Nhiều hộ nông dân vẫn theo thói quen, đốt rơm rạ ngay tại đồng ngay sau vụ gặt.
Theo nhiều tài xế đi đường, việc lưu thông trên đường vào thời vụ gặp không ít khó khăn khi trên các tỉnh lộ, quốc lộ có nhiều vật cản do người dân tự ý xếp ra để phơi lúa, nhất là vào những đoạn đường hẹp, lại vào vòng cua, nếu không xử lý kịp thời rất dễ gây tai nạn. “Việc phới thóc trên đường gây cản trở giao thông rất là nhiều. Nhiều khi chúng tôi di chuyển thì thóc phơi gây trơn trượt xe. Các xe như xe máy, xe đạp tránh thóc cũng rất là vướng” - anh Đào Văn Thắng, lái xe đường dài chia sẻ.
Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm, rạ, thóc trên đường. Đặc biệt, có trường hợp rơm, rạ quấn vào xe gây cháy nổ. Điển hình như mới đây, một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra vào khoảng 13h15 ngày 12/6, trên tuyến đường trục phía Bắc thuộc Khu đại học Phố Hiến, đoạn qua thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, tỉnh Hưng Yên.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên xe máy mang BKS 89L3-131x do một nam giới điều khiển, theo hướng Trường Đại học Thủy Lợi đi phường An Tảo, TP Hưng Yên. Khi tới địa bàn thôn Đào Đặng đã va chạm với xe máy BKS 89B2-167.0X do một người phụ nữ điều khiển. Cú đâm mạnh đã khiến hai người ngã văng xuống đường, bị thương nặng.
Đáng nói, thời điểm xảy ra tai nạn, người dân địa phương đã dùng gạch kê lấn chiếm một nửa tuyến đường để làm nơi phơi thóc. Hiện cơ quan Công an tỉnh Hưng Yên đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Đồng thời xem xét trách nhiệm của những người có liên quan.
Cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài
Luận bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo khoản 3, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị cấm. Điểm d khoản 2 Điều 35 cũng quy định, cấm phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;
b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
Do đó, hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP: "buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ".
Ngoài ra, nếu hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ có dấu hiệu cấu thành tội “Cản trở giao thông đường bộ” thì người dân có liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 261, Bộ luật hình sự 2015.
Luật sư Thái kiện nghị, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và đẩy mạnh việc "nhắc nhở", "xử lý"... của các cơ quan chức năng mỗi khi mùa vụ đến, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài, thay thế cho việc đốt rơm rạ và phơi thóc như hiện nay.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại